Đây là một trong những nội dung trong đơn kiến nghị vừa được các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi Thủ tướng sáng 14/3.
Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản tổng hợp chi phí bán buôn và bán lẻ tối đa có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu. Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc - dẫn chứng trong cơ cấu giá cơ sở, chi phí định mức với xăng là 1.050 đồng một lít và lợi nhuận định mức 300 đồng một lít (tổng 1.350 đồng một lít). Theo quy định, các doanh nghiệp đầu mối sẽ chia mức này lại cho thương nhân phân phối, bán lẻ.
Tuy nhiên, ông Tây cho biết trong Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn và bán lẻ là bao nhiêu. Do vậy, thời gian qua, doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này để hưởng gần hết chi phí trên. Họ đã phân chia cho doanh nghiệp bán lẻ theo dạng "ban phát" với mức chiết khấu bằng 0, thậm chí âm.
"Đây là nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh", ông Tây nói.
Đồng quan điểm, ông Lương Duy Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu 79 Lâm Đồng - cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ không nằm trong chuỗi cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối nên hầu hết đều không được hưởng đầy đủ phần lợi nhuận và chi phí đúng theo quy định.
Để minh bạch và không bị ăn chặn, trong đơn, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị liên bộ Tài Chính - Công Thương lập hội đồng phân chia lại khoản chi phí và lợi nhuận định mức này. Trong đó, liên bộ cần nêu rõ doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu từ khoản này.
Các doanh nghiệp còn đề nghị mức chi phí trên cần được quy định cụ thể trong Nghị định mới và làm cơ sở để truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị "chiếm" trong năm qua.
Ví dụ sau khi thẩm định, nhà chức trách phân chia mức chi phí mà doanh nghiệp bán lẻ được nhận là 900 đồng một lít, những trường họp trước đây chỉ nhận được 100 đồng, giờ sẽ được hoàn trả thêm 800 đồng.
Trước đó, trong phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường xăng dầu cuối tháng 2, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng cho biết, hơn một năm qua họ phải bán hàng với chiết khấu 0 đồng. Họ ước tính số lỗ một năm qua khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng, chủ yếu do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp.
Đại diện Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhận xét bức tranh thị trường "rất bất ổn". Theo ông, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1/1/2022, nhưng đã bộc lộ bất cập khi chưa tính đúng, đủ chi phí cấu thành giá cơ sở và không đảm bảo hài hòa lợi ích 3 khâu: đầu mối, phân phối và bán lẻ. Việc này dẫn tới khâu bán lẻ - mắt xích, kênh trực tiếp thể hiện bức tranh toàn cảnh về thị trường xăng dầu - chịu cảnh thua lỗ triền miên hơn một năm qua.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng sửa Nghị định 95 tới đây sẽ khắc phục được những bất cập trên thị trường xăng dầu, như giá cơ sở tính đúng, đủ chi phí kinh doanh, hay rút ngắn kỳ điều hành giá từ 10 ngày xuống 5-7 ngày để sát hơn thị trường.