Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp làm cho lớp niêm mạc ở hầu họng sưng, dẫn đến đau, ngứa hoặc rát, triệu chứng trầm trọng hơn khi nuốt. Bệnh chủ yếu do virus, vi khuẩn hoặc các yếu tố kích thích như khói bụi, ô nhiễm, thay đổi thời tiết đột ngột, trào ngược họng thanh quản.
Nhiều người lầm tưởng uống nước đá là nguyên nhân trực tiếp gây viêm họng. BS.CKI Võ Bá Thạch, Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, giải thích nước đá chỉ là yếu tố thúc đẩy tổn thương niêm mạc họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển. Khi uống nước đá, niêm mạc họng bị lạnh đột ngột, dẫn đến co mạch và giảm lưu lượng máu đến vùng họng, khiến sức đề kháng tại chỗ giảm, họng dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Với người có cơ địa nhạy cảm, viêm họng mạn tính hoặc niêm mạc mỏng, nước đá có thể gây kích thích, làm tình trạng viêm họng dễ tái phát hơn.
Khi vừa đi ngoài trời nắng nóng và uống nước đá, cơ thể có sự chênh lệch nhiệt độ lớn, làm niêm mạc họng bị kích thích mạnh, gây đau họng hoặc trầm trọng thêm viêm họng có sẵn. Nếu nước đá không được làm đúng quy trình có thể chứa vi khuẩn, virus từ nguồn nước không sạch, gián tiếp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng họng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nước đá cũng có tác dụng giảm viêm. Theo bác sĩ Thạch, nhiệt độ lạnh của nước đá làm co mạch máu tạm thời, giúp giảm sưng và đau, tương tự cách chườm đá lên vết thương. Khi họng bị viêm do nói nhiều, tiếp xúc khói bụi hoặc không khí khô, nước lạnh góp phần làm dịu cảm giác khô rát.

Bác sĩ Thạch nội soi họng cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Thạch khuyến cáo người có sở thích uống nước đá nên sử dụng nước ở nhiệt độ khoảng 10-15 độ C thay vì nước đá quá lạnh. Không uống nước đá ngay sau khi vừa vận động mạnh hoặc đi ngoài trời nắng về. Tránh uống nước đá liên tục hoặc ngậm nước đá lâu trong miệng. Người đang bị viêm họng nặng do nhiễm khuẩn nên hạn chế uống nước lạnh để tránh kích thích niêm mạc.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |