Ngày 28/4, tại kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay.
Theo đề án hợp nhất, lý do đề xuất tên gọi An Giang sau sáp nhập là phù hợp với các yếu tố lịch sử. Đây cũng là địa danh có từ lâu, dễ đọc, dễ nhớ và dễ nhận diện.
Thêm vào đó, tỉnh An Giang hiện hữu có quy mô dân số lớn hơn. Đồng thời, việc sử dụng một trong các tên gọi đã có nhằm hạn chế xáo trộn, giảm khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động và tránh lãng phí.
Tỉnh An Giang (mới) sẽ có 102 xã, phường trong đó 3 đặc khu (Phú Quốc, Kiên Hải và Thổ Châu) với tổng diện tích gần 9.900km², dân số là hơn 5 triệu người. Tỉnh này sẽ là tỉnh có diện tích lớn nhất ĐBSCL.
Đồng thời, sẽ có nhiều cơ hội, lợi thế hơn nữa để phát triển kinh tế, đẩy mạnh các thế mạnh về du lịch, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
An Giang có thế mạnh về du lịch và nông nghiệp
Tại ĐBSCL, An Giang là vùng đất đặc biệt, vừa có đồng bằng vừa có đồi núi. Đồng bằng An Giang với đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi hai con sông Tiền, sông Hậu thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại.
Với những sản phẩm nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây, cùng với những tiềm năng về chăn nuôi, dược liệu, An Giang có cơ hội chiếm lĩnh thị trường nông sản toàn cầu.

An Giang tích cực triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa. (Nguồn: Báo An Giang).
Hiện tại, An Giang đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh gắn với quy hoạch mới 4 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.587ha, bao phủ các vùng nguyên liệu lúa, nếp, trái cây, rau màu, thủy sản và dược liệu.
Từ đó giúp An Giang hình thành chuỗi sản xuất khép kín, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn khắc khe xuất khẩu.
Bên cạnh vùng đồng bằng phì nhiêu, An Giang còn có địa hình đồi núi trải dài từ đông sang tây hình thành nên dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều cảnh quan tươi đẹp…, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng đặc sắc. Du lịch hiện là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mỗi năm An Giang thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghĩ dưỡng.
Về phát triển du lịch, An Giang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch sông nước, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, khám phá và trải nghiệm…
Với tuyến biên giới dài gần 100km giáp Campuchia, có 2 Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình, An Giang được quy hoạch thành 3 khu vực kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích hơn 30.000ha, thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu đa ngành, đa lĩnh vực.
Tỉnh cũng đã quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại-dịch vụ-logistics và sản xuất công nghiệp để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và khai thác.
Theo công bố của Cục Thống kê, quý I, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) của tỉnh tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kiên Giang luôn xác định trọng tâm lấy phát triển kinh tế biển
Tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ và bờ biển dài hơn 200km, định hướng phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế, phát triển đô thị biển mang đặc trưng của Kiên Giang, mở rộng phát triển không gian đô thị về biển đối với TP Rạch Giá, TP Hà Tiên…
Để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, trong nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn xác định trọng tâm lấy phát triển kinh tế biển làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đến nay, kinh tế biển của Kiên Giang phát triển khá toàn diện, giá trị tăng trưởng kinh tế biển chiếm 79,76% tổng giá trị GRDP của tỉnh.
Trên cơ sở đặc trưng về sinh thái, văn hóa của từng khu vực, địa phương, tỉnh Kiên Giang xác định 4 vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá và vùng phụ cận (Hòn Đất - Kiên Hải), U Minh Thượng để tập trung đầu tư, nhờ đó những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, biển, đảo được khai thác hiệu quả hơn.
Riêng thành phố Phú Quốc sở hữu hàng loạt các bãi biển đẹp trải dài từ phía Nam đến phía Bắc của đảo, khi được quan tâm đầu tư đúng mức, thành phố đã có nhiều bãi biển được xếp vào nhóm những bãi biển đẹp nhất thế giới như Bãi Dài, Bãi Trường, Bãi Kem...

Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Nguồn: VGP).
Đối với ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, Kiên Giang cũng đã đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững như mô hình nuôi xen kết hợp tôm - cua; tôm sú - tôm càng xanh; mô hình nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng An Minh, An Biên; ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE tại Phú Quốc...
Tỉnh Kiên Giang còn có lợi thế nuôi và chế tác ngọc trai, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trồng và chế biến rong biển, nuôi và chế biến hải sâm, cầu gai... mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo công bố của Cục Thống kê, quý I, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng 7% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ 43/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.