Doanh nghiệp

Bảo Việt báo lãi "khủng", trả lương các sếp lớn ra sao?

Tóm tắt:
  • Bảo Việt lãi hơn 700 tỷ đồng quý I, thu nhập quyền Chủ tịch HĐQT gần 90 triệu đồng/tháng.
  • Doanh thu bảo hiểm tăng 3,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 707 tỷ đồng, cao nhất kể từ quý II/2017.
  • Tài sản đầu tư tài chính hơn 236.600 tỷ đồng, chủ yếu tiền gửi và trái phiếu với lãi suất cao.
  • Danh mục cổ phiếu niêm yết gồm ACB, CTG, VNM với giá trị lớn, cùng đầu tư vào nhiều công ty liên kết.
  • Tiền gửi ngắn hạn và trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn, với lãi suất lên tới 9%/năm ở một số khoản.

Báo cáo tài chính quý I của Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán: BVH) tiết lộ thu nhập của các thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành.

Cụ thể, người có lương cao nhất tại Bảo Việt là bà Trần Thị Diệu Hằng, quyền Chủ tịch HĐQT với 268,4 triệu đồng trong quý I, tương ứng bình quân 89,4 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Đình An, Phó chủ tịch HĐQT, nhận lương cao thứ 2 với 249,6 triệu đồng trong quý I, tương ứng bình quân 83,2 triệu đồng/tháng.

Thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Việt kiêm quyền Tổng giám đốc Bảo Việt nhận lương bình quân 81,6 triệu đồng/tháng cho chức danh Thành viên HĐQT và thù lao 17,2 triệu đồng/tháng cho chức danh quyền Tổng giám đốc.

Kế toán trưởng là ông Nguyễn Xuân Hòa nhận lương 223 triệu đồng trong quý I, tương đương 74,6 triệu đồng/tháng.

Các Thành viên HĐQT độc lập gồm bà Ngô Thị Thu Trang, ông Dương Trí Thành, ông Trịnh Hồng Quang cùng có mức thù lao 180 triệu đồng trong quý I, tức nhận 60 triệu đồng/tháng. 

Đáng chú ý, các Thành viên HĐQT Nguyễn Quang Phi, Nguyễn Thừa Nhận, Inami Ryota, Igarashi Takafumi cùng nhận mức thù lao "khiêm tốn" 51,6 triệu đồng trong quý I, tương đương 17,2 triệu đồng/tháng. Đây là những thành viên có thù lao thấp nhất trong ban lãnh đạo tập đoàn này.

Bảo Việt báo lãi khủng, trả lương các sếp lớn ra sao? - 1

Thù lao các lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt (Ảnh chụp màn hình).

Về kết quả kinh doanh quý đầu năm, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 9.974 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 577 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ gộp 489 tỷ đồng của quý I/2024.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính được giữ nguyên ở mức 3.257 tỷ đồng, bao gồm 1.684 tỷ đồng lãi tiền gửi và 1.259 tỷ đồng lãi đầu tư trái phiếu. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 68,5% lên 669 tỷ đồng.

Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 872 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 707 tỷ đồng, tăng 14,6% và là khoản lãi sau thuế cao nhất của Bảo Việt trong một quý kể từ quý II/2017.

Bảo Việt báo lãi khủng, trả lương các sếp lớn ra sao? - 2

Tỷ lệ sở hữu tại Bảo Việt (Ảnh chụp màn hình).

Danh mục đầu tư tài chính 236.600 tỷ đồng với phần lớn tiền gửi, trái phiếu

Doanh nghiệp bảo hiểm này trong quý I đầu tư tài chính hơn 236.600 tỷ đồng, tương đương hơn 9,1 tỷ USD quy đổi. Trong đó chiếm phần lớn là tiền gửi, trái phiếu.

Xét về cơ cấu các khoản đầu tư, ở chứng khoán kinh doanh, công ty nắm danh mục trị giá 3.652 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Trong đó, cổ phiếu niêm yết chiếm 3.287 tỷ đồng, cổ phiếu chưa niêm yết chiếm 88 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ chiếm 291 tỷ đồng và trái phiếu là 31 tỷ đồng.

Công ty đang nắm giữ các mã cổ phiếu gồm ACB với 831 tỷ đồng, CTG với 386 tỷ đồng, VNM với 416 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty nắm cổ phiếu của các công ty niêm yết khác 1.623 tỷ đồng.

Bảo Việt cũng nắm hơn 88 tỷ đồng các mã cổ phiếu chưa niêm yết, gồm 28,8 tỷ đồng của Tổng Công ty MBLand, 24 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thủy sản Cà Mau và 36 tỷ đồng của các công ty khác.

Danh mục đầu tư chứng chỉ quỹ đều là của các đơn vị trong hệ sinh thái Bảo Việt là BVPF, BVBF, BVFED, cùng với các chứng chỉ quỹ khác như E1VFVN30.

Ở khoản đầu tư trái phiếu, Bảo Việt nắm 18 tỷ đồng trái phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương và hơn 13 tỷ đồng trái phiếu của Công ty cổ phần đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát. 

Bảo Việt báo lãi khủng, trả lương các sếp lớn ra sao? - 3

Giá trị đầu tư tài chính của Tập đoàn Bảo Việt tính đến hết quý I đạt hơn 236.600 tỷ đồng, tương đương 9,1 tỷ USD (Ảnh: Tiến Tuấn).

Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 229.000 tỷ đồng, trong đó hơn gần 129.000 tỷ đồng là tiền gửi, hơn 96.000 tỷ là trái phiếu.

Công ty này có 106.629 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, thời hạn gốc trên 3 tháng và thời gian đáo hạn không quá một năm với lãi suất lên đến 9%/năm. Cùng với đó là 4.136 tỷ đồng tạm ứng từ giá trị hoàn lại.

Tiền gửi dài hạn của Bảo Việt có 22.192 tỷ đồng. Thuyết minh cho thấy khoản tiền này nhận mức lãi suất từ 4,8%/năm đến 6,4%/năm.

Trái phiếu chiếm 96.153 tỷ đồng, gồm 26.291 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 68.862 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Các trái phiếu có lãi suất lên đến 8,9%/năm.

Còn lại là 2.844 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và 1.279 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác. Trong đó, Bảo Việt đang đầu tư nhiều nhất tại BAOVIET Bank (1.918 tỷ đồng), Trung Nam Phú Quốc (431 tỷ đồng), Tokio Marine Việt Nam (147 tỷ đồng)...

Ngoài ra, Bảo Việt cũng góp vốn vào Tập đoàn SSG (225 tỷ đồng), CMC (144 tỷ đồng), Dự án Thép Tài chính Quốc tế (170 tỷ đồng) và Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (293 tỷ đồng).

Các tin khác

Miền Bắc nắng nóng kéo dài

Hôm nay (5/5), miền Bắc bước vào đợt nắng nóng kéo dài nhưng không gay gắt. Khu vực miền Trung đón nắng nóng diện rộng, gay gắt. Tây Nguyên, Nam Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng, chiều tối có mưa dông.

Tiền gửi tiếp tục làm ‘vua’ trong danh mục tự doanh

Danh mục tự doanh của ngành chứng khoán tiếp tục lập đỉnh mới trong quý I, với xu hướng rõ nét là tăng mạnh phân bổ vào tiền gửi và trái phiếu. Trong khi nhiều công ty giữ chiến lược đầu tư thận trọng, một số đơn vị như Vietcap, VIX, SHS vẫn kiên định với cổ phiếu.

Ngày 5/5, khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, biểu quyết về việc sửa Hiến pháp

9h sáng ngày 5/5, Quốc hội sẽ chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 9, Khoá XV. Vào buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.