Trung tâm khánh thành ngày 12/12, có diện tích 4.500 mét vuông, tổng vốn đầu tư 11,7 triệu euro. Công trình là một cách hiện thực hóa cam kết của DHL Express trong việc cung cấp các dịch vụ chuyển phát quốc tế ổn định và đáng tin cậy, nhất là tại khu vực miền Bắc.
Ông Bernardo Bautista, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia DHL Express Việt Nam cho biết: "Khoản đầu tư chiến lược này là minh chứng cho cam kết của DHL trong việc hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển của khách hàng và kết nối Việt Nam với thế giới, qua đó mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Nhất quán với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Tập đoàn DHL, Trung tâm khai thác cửa khẩu Hà Nội được trang bị 275 tấm pin năng lượng mặt trời, sản sinh 120 kWh điện mỗi giờ với khả năng giảm 70 tấn phát thải carbon mỗi năm. Ngoài ra, trung tâm còn sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao, xe nâng chạy bằng điện, hệ thống chiếu sáng 100% đèn Led, hệ thống điều hòa không khí xanh và phần mềm quản lý tòa nhà để giám sát và tự động kiểm soát tiêu thụ điện năng, thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng.
Trung tâm khai thác cửa khẩu Hà Nội được lãnh đạo công ty đánh giá là một cột mốc quan trọng trong cam kết cung cấp dịch vụ chất lượng và lộ trình bền vững của công ty. Ông Mark Komene, Giám đốc Vận hành Cấp cao của DHL Express Việt Nam cho biết, với quy mô lớn hơn so với trước, trung tâm này có thể xử lý được nhiều lô hàng hơn, giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực khai thác đồng thời giảm thiểu khí thải nhà kính. "DHL Express Việt Nam lẫn khách hàng sẽ cùng đóng góp thiết thực vào các quy trình, phương thức kinh doanh bền vững để bảo vệ môi trường", ông Mark Komene nói.
Là một mắt xích trong chuỗi cung ứng của hầu hết các công ty tại Việt Nam, việc DHL mở rộng quy mô sẽ tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và giúp họ sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi thương mại thế giới phục hồi.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã khẳng định khả năng phục hồi kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng khu vực này là động lực chính đóng góp đến 70% tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.
Đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới cũng dự báo bức tranh lạc quan đối với triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, được thúc đẩy từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, về những tháng cuối năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng. Tính riêng tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sau Covid-19, các nhà cung cấp dịch vụ logistics đóng vai trò ngày càng thiết yếu trong việc thúc đẩy kết nối dòng chảy thương mại vốn bị thay đổi đáng kể do đại dịch. Theo số liệu của DHL Express - nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới - lưu lượng hàng hóa giữa châu Á và các châu lục khác trong ba quý đầu năm 2023 đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, vượt xa mức trước đại dịch.
Xu hướng này cũng thúc đẩy nhu cầu cao hơn về các giải pháp logistics hiệu quả và bền vững. Giữa tiềm năng thương mại to lớn, các nhà cung cấp dịch vụ logistics đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, tự động hóa và bền vững để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Các giải pháp logistics liền mạch và thân thiện với môi trường trở nên quan trọng hơn, và các tập đoàn logistics trên toàn cầu đưa ra nhiều cam kết nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon và thực hành kinh doanh có trách nhiệm với môi trường.