
ĐHĐCĐ thường niên của CII tổ chức sáng 18/4. (Ảnh: X.N).
Theo báo cáo túc số, lúc 9h, số lượng có mặt/đăng ký tham dự là 3.325 cổ đông, sở hữu hơn 294 triệu cổ phần, tương đương 53,7% quyền biểu quyết.
Doanh thu và lợi nhuận giảm trong năm bản lề
CII đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2025 đạt 3.888 tỷ đồng, giảm 10% so với 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ còn 335 tỷ đồng, giảm 37% do sự khác biệt trong cách hạch toán giữa các năm.
Để cải thiện kết quả kinh doanh, CII đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp BOT, nhằm phản ánh sát hơn giá trị thực tế theo phương pháp chiết khấu dòng tiền.
Cổ đông đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2024 và 2025 với tỷ lệ 12% bằng tiền mặt, thấp hơn mức 16% mỗi năm như kế hoạch ban đầu. Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình cho biết công ty hiện có khoản lợi nhuận chưa phân phối lên tới 1.700 tỷ đồng, là cơ sở vững chắc để chi trả cổ tức, trong khi vẫn đảm bảo đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ông Bình cho biết CII không vay nợ bằng USD hoặc ngoại tệ khác nên gần như không chịu áp lực tỷ giá. "Từ cuối 2022, chúng tôi đã quyết định không huy động vốn bằng ngoại tệ, giúp giảm rủi ro về tỷ giá," ông Bình nói.
Thêm vào đó, CII hướng tới việc phân bổ 95% tổng tài sản vào lĩnh vực hạ tầng phục vụ người dân thay vì bất động sản cao cấp. Vì vậy, dù thị trường có biến động, các dự án của công ty ít bị ảnh hưởng trực tiếp, do giao thương, đi lại vẫn tiếp diễn.
Dù vậy, ông cũng lưu ý rủi ro về lãi suất vẫn hiện hữu và là yếu tố đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Ban điều hành CII đã chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó để hạn chế tác động nếu có biến động lớn về lãi suất xảy ra.

Đông đảo cổ đông tham dự. (Ảnh: X.N).
Sáp nhập tỉnh, thành: Cơ hội đơn giản hóa thủ tục
Một yếu tố mới được cổ đông quan tâm là kế hoạch sáp nhập tỉnh, thành đang được Chính phủ xem xét. Tổng Giám đốc CII đánh giá đây có thể là tín hiệu tích cực đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, khi có khả năng rút ngắn quy trình pháp lý vốn kéo dài trong nhiều năm.
"Tính đến hiện tại, chúng tôi thấy mọi thứ vẫn bình thường, nhưng kỳ vọng việc sáp nhập sẽ góp phần giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn nhờ đơn giản hóa thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự đến đâu thì cần thêm thời gian để kiểm chứng," ông Bình nói thêm.
Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Hoàng nhấn mạnh năm 2025 là giai đoạn bản lề với nhiều cơ hội nâng tầm vị thế nếu CII tham gia thành công các dự án lớn. Hiện các ngân hàng lớn đã chấp thuận chủ trương cấp tín dụng hơn 44.600 tỷ đồng cho dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận.
Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu từ thu phí đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Ở mảng bất động sản, CII sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc pháp lý tại các dự án Thủ Thiêm, NBB3 và NBB2 để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
TOD Hàng Xanh: Kỳ vọng "thay da đổi thịt" khu Đông TP HCM
Dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại Hàng Xanh – trọng điểm mới của CII – có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 216.000 tỷ đồng, quy mô 51,4 ha và ảnh hưởng đến hơn 4.000 hộ dân. Đây được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt trong chiến lược phát triển hạ tầng – đô thị thông minh của công ty.
CII đã ký kết với Arup – đơn vị tư vấn từng tham gia nhiều dự án TOD tại Trung Quốc. Trong tháng 5 tới, công ty sẽ đi khảo sát thực tế để hoàn thiện đề án trước khi trình thành phố và cổ đông.
“Mục tiêu là tạo ra một khu đô thị hiện đại, nơi người dân có thể di chuyển hoàn toàn bằng phương tiện công cộng hoặc xe không người lái, không cần xe máy hay ô tô,” đại diện CII chia sẻ.

Bạn chủ toạ trả lời cầu hỏi của cổ đông. (Ảnh: X.N).
Với dự án nghỉ dưỡng De Lagi, đại diện CII cho biết tiến độ đang chậm lại do chờ hoàn thiện hạ tầng. “Đây có thể là điều may mắn trong bối cảnh thị trường du lịch hiện nay,” lãnh đạo công ty chia sẻ.
Về quản trị vốn, CII có nhóm điều phối dòng tiền do Tổng Giám đốc trực tiếp giám sát, đồng thời các dự án lớn còn có ngân hàng giám sát riêng. Công ty cũng lưu ý đến rủi ro mất cọc nếu không thu xếp được vốn kịp thời, đặc biệt với các khoản bảo lãnh lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Thay đổi nhân sự và kế hoạch tăng vốn
ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm ông Lưu Hải Ca và bầu bổ sung ông Lê Phạm Ngọc Phương vào HĐQT nhiệm kỳ 2022–2027. Ông Phương từng làm việc tại Capella Holdings, Vietcap và hiện là Phó Tổng Giám đốc tại CTCP Logistics BHG Long Thành.
Ngoài ra, CII dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 6.264 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 14%.