Chiều ngày 28/4 tại Tp. Hồ chí Minh, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.
Theo thông báo của Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết có 359 cổ đông, đại diện cho hơn 800 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 65,88% vốn điều lệ.
Năm 2021 hoàn thành toàn diện các kế hoạch kinh doanh
Báo cáo của lãnh đạo LienVietPostBank tại ĐHĐCĐ cho biết, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trong năm 2021 đã gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh tế. Trong bối cảnh đó, sự chủ động, linh hoạt và kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh từ giai đoạn trước đã giúp LienVietPostBank bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định, an toàn với những kết quả tích cực: Hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh doanh năm 2021 do Đại hội đồng cổ đông giao; Quy mô tăng trưởng phù hợp với diễn biến của thị trường và nền kinh tế; Bảo đảm đầy đủ quyền lợi của cổ đông và người lao động... Bên cạnh đó, LienVietPostBank cũng đã thực thi hiệu quả các chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giải pháp tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 cho khách hàng.
Kết thúc năm tài chính 2021, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 289.194 tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt 217.014 tỷ đồng, tín dụng thị trường 1 đạt 209.029 tỷ đồng, thu dịch vụ đạt 858 tỷ đồng, đặc biệt lợi nhuận trước thuế đạt 3.638 tỷ đồng (tăng hơn 50% so với năm 2020).
Mục tiêu năm 2022 tăng lợi nhuận lên 4.800 tỷ đồng, duy trì chia cổ tức cho cổ đông
Hội đồng quản trị Ngân hàng đã trình ĐHĐCĐ phương án kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tổng tài sản 336.000 tỷ đồng, huy động thị trường 1 là 257.070 tỷ đồng, tín dụng thị trường 1 là 246.650 tỷ đồng, thu dịch vụ 1.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.800 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 12%.
Về kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022, ĐHĐCĐ đã nhất trí phương án tăng vốn thêm 6.213 tỷ đồng thông qua việc chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng lên thành hơn 21.249 tỷ đồng.
Cụ thể, phương án 1, ngân hàng sẽ huy động 2.255 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2021. Phương án 2, LienVietPostBank cũng sẽ chào bán 95,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài để tỷ lệ sở hữu nước ngoài sau phát hành tối đa là 9,99%. Phương án 3, ngân hàng sẽ chào bán cho các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này với khoảng 300 triệu cổ phiếu.
Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của LienVietPostBank dự kiến tăng 41,6%, đạt gần 21.300 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng thêm, ngân hàng sẽ mở rộng quy mô cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh nhằm mục tiêu tăng trưởng quy mô ngân hàng, mở rộng thị phần, tận dụng thế mạnh mạng lưới rộng khắp để trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu.
Thảo luận cổ đông
Cổ đông hỏi: CASA giảm là vì sao? Chi phí dự phòng rủi ro tăng trong năm 2021 trong khi tăng trưởng tín dụng và nợ xấu không thay đổi nhiều là do đâu?
Ngân hàng có mối quan tâm nào đến đối tác Banca? Tình hình dư nợ BĐS tại LienVietPostBank, định hướng của ngân hàng thế nào? Lợi nhuận kịch bản lạc quan thế nào?
Tăng trưởng tín dụng quý 1 vì sao đi ngang trong khi các ngân hàng khác tăng cao. Mục tiêu 18% của cả năm có khả thi?
Ngân hàng dự kiến thu được bao nhiêu từ nợ xấu đã dự phòng?
Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01, Thông tư 03?
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc trả lời
Dự phòng tăng trong năm qua là do dự phòng các khoản nợ tái cơ cấu các khoản bị ảnh hưởng bởi Covid. Tổng số tiền tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh là khoảng 2.500 tỷ đồng.
Tín dụng trong quý 1 phụ thuộc vào room của NHNN. Mỗi tháng ngân hàng tăng trưởng khoảng 4.000 tỷ riêng mảng bán lẻ. Hết quý 1 đã giảm dư nợ một số dự án cho vay khoảng hơn 13 ngàn tỷ nên kéo tổng tăng trưởng tín dụng đi ngang so với quý 4. Hiện dư nợ cho vay BĐS của Liên Việt khoảng 8 – 10%.
Lợi nhuận dự kiến 2022 là 4.800 tỷ đồng là kịch bản an toàn nhất, phòng ngừa những ảnh hưởng của dịch bệnh. Riêng quý 1 đã đạt hơn 1.700 tỷ đồng nên cả năm lợi nhuận sẽ rất cao.
Lợi nhuận 4.800 tỷ đồng không bao gồm phí bán bảo hiểm. Tháng 5 tới sẽ kết thúc hợp tác với Dai-ichi Life, thời gian qua ngân hàng đã đàm phán tích cực với các đối tác lớn trên thế giới, dự kiến 15 – 20 năm. Khoản tiền thu về bao nhiêu còn đang trong vòng bí mật. Nếu kết quả thành công, dự kiến tháng 6, thì lợi nhuận 2022 sẽ có thay đổi lớn.
Cổ đông hỏi: Việc bán vốn năm nay có khả quan không vì đã đưa ra 3 năm nay nhưng chưa thực hiện. Việc thoái vốn của cổ đông VNPost vì sao không thành công?
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch kiêm TGĐ LienVietPostBank
Việc không thoái vốn thành công do bên VNPost định giá, đưa ra bán đấu giá đúng lúc cổ phiếu trên thị trường đi xuống. Nhà nước không giống tư nhân, không được phép bán với giá thấp hơn mức định giá.
Về nhà đầu tư nước ngoài, thời gian qua đã chuẩn bị chốt với đối tác nhưng giá cổ phiếu thị trường xuống thấp nên ngân hàng chủ động dừng lại. Thời gian tới thị trường hồi phục trở lại thì sẽ bán để mang về quyền lợi cao nhất cho cổ đông.