Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi các Nghị định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có quy định mới về tài sản mã hóa. Lần đầu tiên Bộ Tài chính có quy định xử phạt hành chính về thị trường tài sản mã hóa.
Các vi phạm gồm vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa; vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa; vi phạm quy định về báo cáo, công bố thông tin liên quan đến tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa; vi phạm quy định về giao dịch trên thị trường tài sản mã hóa; vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền liên quan đến tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa…
Theo Bộ này, chế tài xử phạt đối với vi phạm trong cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa được tham chiếu theo chế tài xử phạt vi phạm có mô tả tương ứng trong hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán của công ty chứng khoán.
Các mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến tối đa 2 tỷ đồng.

Phạt tới 2 tỷ đồng cá nhân vi phạm trong giao dịch tài sản mã hóa (Ảnh: FinanceMonthly).
Bộ Tài chính đề xuất mức phạt cho hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa dao động từ 1,5-2 tỷ đồng. Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm, họ có thể bị đình chỉ hoạt động này trong 3-5 tháng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa có thể bị phạt 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng cho những vi phạm như không xác minh danh tính nhà đầu tư, thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, không tách biệt quản lý tài sản mã hóa của khách với tự doanh...
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất phạt 100-200 triệu đồng nếu nhà đầu tư không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cơ quan này cấp phép.
Việc báo cáo/công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc báo cáo/công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cũng có thể bị phạt từ 50-70 triệu đồng.
5 hành vi được xem là thao túng thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam:
1. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục giao dịch tài sản mã hóa nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
2. Thông đồng với nhau giao dịch tài sản mã hóa mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá tài sản mã hóa, cung cầu giả tạo.
3. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh giao dịch tài sản mã hóa gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá tài sản mã hóa, thao túng giá tài sản mã hóa.
4. Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại tài sản mã hóa, về tổ chức phát hành tài sản mã hóa nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại tài sản đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại tài sản đó.
5. Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá tài sản mã hóa.