Tiếp tục chương trình phiên họp 42, sáng 7/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan dự thảo Luật Nhà giáo.
Đề cập đến Điều 19 và 21 trong dự thảo Luật liên quan việc điều động và thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, quy định rành mạch hơn.
Ông dẫn chứng quy định "nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận". Song thực tế, nhiều nơi lấy đủ lý do như đã đủ biên chế để không nhận, dẫn đến tình trạng có cô giáo cắm bản 10-20 năm vẫn phải cắm bản.
![Đề xuất điều động giáo viên phải như quân đội, không đi thì nghỉ việc- Ảnh 1. Đề xuất điều động giáo viên phải như quân đội, không đi thì nghỉ việc- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/pho-chu-tich-quoc-hoi-12110774-1739099026932-1739099027188383786681.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. (Ảnh: quochoi.vn)
"Lần này ta làm Luật Nhà giáo và sau này là Luật Giáo dục phải tháo cho được chỗ này ", ông Trần Quang Phương nói và đề xuất để Nhà nước thuyên chuyển giáo viên theo nguyện vọng thì phải gắn với điều khoản về điều động. Cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên có quyền điều động giáo viên từ miền xuôi lên miền ngược, sau một thời hạn nhất định.
Lấy ví dụ như quân đội, cán bộ, chiến sĩ, nhận nhiệm vụ điều động là phải lập tức thi hành, nhiều sĩ quan quân đội xung phong đi miền núi dù chế độ đãi ngộ cao, nhưng họ vẫn phải hy sinh, cống hiến nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội nói: " Có người nói đi bộ đội quen rồi, làm gì có quen với khổ và xa nhà bao giờ ".
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề xuất cần có cơ chế tương tự với giáo viên.
" Điều động là phải đi, họ là viên chức Nhà nước. Không đi là nghỉ việc. Ưu ái nhưng kỷ luật phải nghiêm minh ", ông Trần Quang Phương nêu.
Trong trường hợp không thuyên chuyển được, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cơ quan Nhà nước có quyền điều động từ miền ngược về xuôi, từ vùng khó khăn về thuận lợi, có thể xa nhà một tí, ví dụ huyện A lên huyện B miền núi, nhưng đủ 3 năm có thể về huyện C ở đồng bằng.
Vẫn theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước để tạo điều kiện thực hiện chính sách vượt trội. đây là đối tượng cần có chính sách vượt trội.
Giải trình về tăng cường điều động giáo viên trên cả nước, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: " Ngành giáo dục cũng ao ước như thế nhưng cũng rất khác điều động của quân đội. Vì hiện nay ngành Giáo dục và Đào tạo không quản lý được viên chức mà giao cho cấp tỉnh ".
![Đề xuất điều động giáo viên phải như quân đội, không đi thì nghỉ việc- Ảnh 2. Đề xuất điều động giáo viên phải như quân đội, không đi thì nghỉ việc- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/9/bo-truong-giao-duc-va-dao-tao-11435552-1739099027868-17390990279441218727371.jpg)
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: quochoi.vn)
Hiện nay, ở cấp tỉnh, trong các huyện khác nhau chỉ điều động ở bậc trung học, còn cấp tiểu học thì huyện này không chuyển sang huyện khác được.
" Đề xuất chính sách giao cho cấp sở để điều động giữa các khu vực trong toàn tỉnh đã là một thay đổi mang tính cách mạng rồi. Nếu được giao cho ngành giáo dục quản lý viên chức tổng thể như trong quân đội quản lý thì sẽ làm tốt, nhưng hiện nay chưa được như quân đội ", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Liên quan đến quy định giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay việc này thực hiện theo tinh thần phân cấp và sẽ phân cấp mạnh trực tiếp cho cơ sở giáo dục hoặc cho cơ quan quản lý giáo dục.
Nhấn mạnh tinh thần phân cấp là đúng, tuy nhiên Bộ trưởng nêu thực tế trên 63 tỉnh thành với hơn 50.000 cơ sở giáo dục có quy mô khác nhau.
" Cũng cơ sở giáo dục nhưng trường mầm non với trường trung học khác nhau. Trường trung học ở Hà Nội với trường trung học miền núi, vùng khó rất khác nhau. Nếu trường mầm non, tiểu học vùng xa mà giao cho họ tuyển dụng viên chức thì các trường chịu chết ", ông Nguyễn Kim Sơn nói và cho rằng nếu giao cho họ quyền này có thể thành "thảm họa", chứ không phải giao là làm được.
Theo Bộ trưởng, giao cho một trường tiểu học mà thầy chưa làm tuyển dụng bao giờ, loay hoay lập hội đồng, không đủ người để làm hội đồng thi, ra đề thi, chấm thi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra...
" Đây là thi tuyển dụng viên chức nên có những đòi hỏi rất hoành tráng, sẽ quá sức cho họ và quyền trao cho một cơ sở quá sức sẽ là thảm họa với họ ", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.