Doanh nghiệp

Đề xuất cho phép kinh doanh vàng tài khoản, sàn vàng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, một số doanh nghiệp và bộ ngành kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý và lộ trình cho phép triển khai thêm các sản phẩm khác để hỗ trợ thanh khoản của thị trường như vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng, tiết kiệm/cho vay vàng, sàn vàng quốc gia…

Cụ thể, các đơn vị kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung điều khoản cho phép doanh nghiệp, ngân hàng thương mại sản xuất vàng miếng; xuất, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro biến động giá (futures, forwards, swaps) với vàng tài khoản hoặc thị trường quốc tế; nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp, ngân hàng thương mại có giấy phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được mua vàng kỳ hạn từ nước ngoài.

Đề xuất cho phép kinh doanh vàng tài khoản, sàn vàng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?- Ảnh 1.

Đề xuất cho phép doanh nghiệp, ngân hàng thương mại kinh doanh vàng tài khoản, phát hành chứng chỉ vàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Bên cạnh đó, cũng có những đề xuất cơ quan quản lý nghiên cứu, bổ sung quy định tổ chức tín dụng có thể phát hành Chứng nhận sở hữu vàng cho khách hàng mà chưa cần thực hiện giao dịch vàng vật chất. Việc giao nhận vàng có thể được thực hiện trong tương lai căn cứ theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng và được quy định rõ trên giấy chứng nhận...

Trả lời những đề xuất trên, Ngân hàng Nhà nước cho hay, sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 được ban hành, cơ quan này sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan để tạo cơ sở cho ngân hàng thương mại có thể cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để xem xét việc bổ sung vàng vào danh mục hàng hóa được phép giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa theo quy định tại Nghị định 158/2006 của Chính phủ quy định chi tiết luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung).

Riêng hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ được nghiên cứu, hướng dẫn cùng với việc hình thành Sở giao dịch vàng tập trung. Tại dự thảo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước đề xuất chưa sửa đổi quy định này.

Đối với đề xuất cho phép phát hành Chứng nhận sở hữu vàng cho khách hàng mà chưa cần thực hiện giao dịch vàng vật chất, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã tiếp thu và sẽ nghiên cứu ban hành hướng dẫn về nội dung này, bao gồm xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2016 của Ngân hàng Nhà nước về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng.

Đối với kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia hoặc sàn vàng trong Trung tâm tài chính quốc tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu một số giải pháp để sớm áp dụng theo lộ trình, trong đó nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất triển khai thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia; hoặc cho phép đưa vàng vào giao dịch trên Sở giao dịch hàng hóa; hoặc lập Sàn giao dịch vàng trong Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Đây là những nội dung phức tạp cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an). Nội dung trên sẽ được thực hiện theo lộ trình riêng và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Các tin khác

Thẻ SeABiz Ultra Cash của SeABank: "Lợi ích kép" cho doanh nghiệp

Thanh toán không tiền mặt đã trở thành thói quen của đại đa số người dân và cả các doanh nghiệp. Không chỉ giúp việc giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, doanh nghiệp còn được hưởng lợi lớn từ những giao dịch này.

Top 3 nhóm siêu thực phẩm tốt cho máu

Máu mang oxy và dưỡng chất đến từng tế bào, đồng thời bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Hệ thống này khỏe mạnh khi bạn dùng nguồn thực phẩm khoa học, giàu vi chất.

FWD Việt Nam khẳng định vị thế với loạt giải thưởng danh giá trong và ngoài nước

Trong bối cảnh ngành bảo hiểm đang không ngừng chuyển mình để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam tiếp tục cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ thông qua những thành tựu nổi bật trong phát triển sản phẩm, đầu tư công nghệ và nâng cao trải nghiệm khách hàng.