Chứng khoán

ĐBQH lo rằng Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” để nhà đầu tư tiền số nước ngoài trốn thuế

Lo Việt Nam là nơi trốn thuế của nhà đầu tư tiền số nước ngoài

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sáng nay 28/11, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% trên gần 1 triệu doanh nghiệp. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tác động rất lớn đến khu vực doanh nghiệp này.

Về thuế suất, dự luật quy định áp dụng mức thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng. Đại biểu Thân cho rằng, quy định chưa giải quyết được những khó khăn trong thực tiễn.

ĐBQH lo rằng Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” để nhà đầu tư tiền số nước ngoài trốn thuế- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu đề nghị nên quy định việc áp thuế phù hợp, không nên quy định việc áp thuế cứng 15%. Nếu làm được như vậy doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi tham gia vào sản xuất, kinh doanh.

Về thuế đối với vấn đề kinh doanh đồng tiền số, đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, cần phải nghiên cứu, cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế.

“Hiện nay, chúng ta đang có mảnh đất rất màu mỡ cho những người kinh doanh tiền số. Bởi vì chúng ta chưa có chính sách gì ở đấy, các nước xung quanh đã có nền tảng số”, ông Thân nói, đồng thời đề nghị cần tập trung cho vấn đề này.

“Tất nhiên là chúng ta không phải một sớm, một chiều được, nhưng phải tập trung để làm sao giải quyết việc này, việc kinh doanh đồng tiền số ở đây chúng ta phải có một thái độ trả lời là đồng ý hay không đồng ý, nếu không lại là cơ quan trốn thuế của các nhà đầu tư tiền số ở nước ngoài”, ông Thân lo ngại.

Dù không nêu con số cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho biết thực tế, kinh doanh đồng tiền số Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ thua mỗi Mỹ.

“Nếu chúng ta không làm việc này thì chúng ta bị thất thu thuế. Tôi đề nghị Quốc hội lưu ý việc này, đương nhiên việc này là việc khó, không phải một sớm, một chiều chúng ta làm luật, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu thì chúng ta sẽ không bao giờ làm được”, đại biểu đoàn Thái Bình nhấn mạnh.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với dự thảo khi người nộp thuế bao gồm cả các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Theo đại biểu Hòa, đây là vấn đề mới nhưng nếu chúng ta không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp với đối tượng này thì không chỉ gây thất thu thuế mà còn không công bằng với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước có sản phẩm tương đồng.

Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn, ngoài những cơ sở có đăng ký thường trú ở Việt Nam thì việc đánh thuế đối với cơ sở không có thường trú ở Việt Nam mà chỉ thông qua sàn giao dịch điện tử, công ty mẹ và công ty con đều ở nước ngoài thì cách thức đánh thuế thế nào?

“Trong luật không quy định nhưng Chính phủ cần có nghị định hướng dẫn, quy định chi tiết về vấn đề này”, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, việc bổ sung để doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam theo hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phải nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp với sự phát triển của kinh tế số.

ĐBQH lo rằng Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” để nhà đầu tư tiền số nước ngoài trốn thuế- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

“Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và cần làm rõ hơn tiêu chí xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung, hướng dẫn cụ thể về cách kê khai và nộp thuế để bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp xuyên biên giới. Điều này giúp hạn chế thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng bày tỏ.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) lại băn khoăn về việc các doanh nghiệp nước ngoài chỉ sử dụng cơ sở thường trú ảo, không có địa chỉ liên lạc thật trên thực tế. Dự thảo Luật chưa đề cập đến đối tượng này.

Đang tập trung để đưa AI và công nghệ thông tin vào quản lý thuế

Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải chịu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Thời gian qua, chúng ta đã thu được thuế từ các sàn thương mại điện tử, mua bán online…”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

ĐBQH lo rằng Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” để nhà đầu tư tiền số nước ngoài trốn thuế- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, chúng ta đã thu được thuế từ sàn thương mại điện tử, mua bán online… của các doanh nghiệp đặt trụ sở tại nước ngoài.

Về nền tảng số, ông Phớc cho hay, ngành Tài chính luôn đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ cho công tác của ngành, từ công tác hải quan, công tác thuế, công tác kho bạc,...

“Hiện nay, chúng tôi đang tập trung để đưa AI và công nghệ thông tin vào trong quản lý. Tuần vừa rồi, chúng tôi vừa ra mắt robot ảo về vấn đề phục vụ cho người nộp thuế, có nghĩa khi người nộp thuế hỏi bất cứ câu hỏi nào, ví dụ tôi doanh thu thế này, chi phí thế này thì hoàn toàn được bao nhiêu, phải nộp thuế bao nhiêu, thời gian chậm nộp như thế nào; thuế thu nhập cá nhân tôi thu nhập 200 triệu/năm thì tôi phải nộp thuế thu nhập cá nhân là từng nào… là có hết, cho nên rất thuận lợi cho những người nộp thuế”, Phó Thủ tướng cho biết.

Liên quan đến mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, "thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với các nước Đông Nam Á".

Dẫn chứng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp tại Philipphines là 30%, Malaysia 24% và một số nước khác trong khu vực 25%. Ông Phớc cho rằng, không thể so sánh thuế của Việt Nam với Singapore khi quốc gia này có mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 90.000 USD/năm, tức gấp hơn 20 lần Việt Nam (gần 4.300 USD tính tới cuối năm ngoái).

"Mọi khoản thu nhập phải chịu thuế, kể cả sản xuất kinh doanh và thu nhập khác. Điều này nhằm đảm bảo thu thuế công bằng, hợp lý cho phát triển. Còn lĩnh vực ưu tiên cần hỗ trợ ngân sách cũng phải giám sát, tránh mở ra nhiều, mất kiểm soát", Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng, xu thế của thế giới hiện nay là đang thắt chặt chính sách tài khóa, tức là tăng thuế suất lên để đảm bảo sự vững mạnh của tài chính công. Tuy nhiên, đối với đất nước chúng ta mới trải qua đại dịch, chúng ta rất ủng hộ doanh nghiệp và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, chúng ta vẫn thực hiện chính sách tài khóa mở rộng.

“Chúng ta làm thuế có nghĩa là làm thế nào để đảm bảo sự công bằng, hợp lý để phát triển, còn những lĩnh vực ưu tiên phát triển cần phải hỗ trợ từ ngân sách thì phải giám sát có hiệu quả, tránh chuyện mở ra mà mất kiểm soát”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm