Cải tạo xong vẫn ô nhiễm
Kênh Bắc có chiều dài hơn 4,6 km, lòng kênh rộng khoảng 15 m, là tuyến kênh thoát lũ cho khu vực phía bắc TP.Vinh. Thế nhưng, từ hàng chục năm qua, con kênh này cũng kiêm luôn chức năng thoát nước thải sinh hoạt cho hàng vạn hộ dân.
Nước thải chảy xuống kênh, ứ đọng lại, chuyển màu đen ngòm và bốc mùi hôi thối, trở thành nỗi ám ảnh của người dân sống hai bên con kênh này và cả người dân lưu thông trên các con đường ven kênh.

Nước đen ngòm ở kênh Bắc
ẢNH: K.HOAN
Năm 2016, dự án cải tạo kênh Bắc hoàn thành. Đây là một trong số các hợp phần của các dự án cải tạo đô thị TP.Vinh có tổng mức đầu tư 126,5 triệu USD.
Sau cải tạo, 1.240 m kênh ở đoạn đầu tuyến kênh thuộc P.Hà Huy Tập được lắp cống hộp, bên trên trở thành vườn hoa. Do đã được lấp kín nên đoạn kênh này không còn bốc mùi hôi thối và cư dân sống hai bên kênh được "giải phóng" khỏi tình trạng ô nhiễm không khí. Hơn 3 km còn lại kênh vẫn lộ thiên.
Theo thiết kế, hệ thống nước thải không đổ trực tiếp ra kênh mà có hệ thống thu gom riêng. Phía cuối kênh, một hồ điều hòa rộng hơn 40 ha mặt nước đã được xây dựng để gom toàn bộ nước từ kênh Bắc chảy xuống. Thế nhưng, sau một thời gian vận hành, các cửa cống gom nước thải dọc kênh Bắc hỏng, nước thải chảy ra kênh và chuyển dần sang màu đen, hôi thối lại hoàn hôi thối.
"Năm 2016, khi thấy thành phố đầu tư cải tạo kênh Bắc, người dân sống ven kênh như chúng tôi rất vui vì nghĩ sẽ thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm. Ai ngờ, chỉ được thời gian ngắn, mùi hôi lại bốc lên nồng nặc", ông Nguyễn Văn Vĩnh (ngụ P.Hưng Lộc) bức xúc.
Ông Vĩnh cũng cho hay, hiện tượng ô nhiễm chỉ đỡ vào mùa mưa lũ, khi nước mưa đẩy hết lượng nước thải ứ đọng trong lòng kênh. Nhưng chỉ được ít ngày, nước kênh lại đen ngòm, bốc mùi hôi khiến người dân rất khổ sở, nhất là thời điểm ban đêm, khi trời lặng gió.
Không chỉ người dân sống hai bên kênh phải hứng chịu ô nhiễm, người dân khi đi qua hoặc đi dọc theo tuyến kênh này cũng khổ lây.
"Ngày nào tôi cũng đi làm qua kênh này, sợ nhất là phải dừng đèn đỏ trên cầu bắc qua kênh vì mùi hôi nồng nặc, rất khó chịu", anh Phan Bá Mạnh, ngụ P.Hà Huy Tập, nói.
Càng cuối kênh, đặc biệt đoạn sát hồ điều hòa nước càng đen và mùi hôi càng nồng nặc. Năm 2019, từ khi hồ điều hòa nằm cuối kênh Bắc hoàn thành, khu công viên và con đường vòng quanh hồ trở thành nơi vui chơi, tập thể dục của nhiều người dân vì không gian ở đây thoáng đãng. Nhưng đoạn kênh Bắc tiếp giáp với hồ trở thành nỗi ám ảnh cho những người đi ngang qua đây.
"Chạy thể dục ngang qua đoạn này tôi phải cố chạy thật nhanh, không dám hít thở vì mùi quá kinh khủng. Sau một đợt mưa lớn, nước mưa đẩy hết nước thải ứ đọng thì mới hết mùi, nhưng cũng chỉ được vài ba ngày, đâu lại vào đó", chị Lê Hoài An, ngụ P.Hưng Dũng, cho hay.
Bơm nước cứu hào thành
Hào thành cổ Vinh là tuyến kênh bao quanh thành cổ Vinh, thành lũy được nhà Nguyễn xây dựng bằng đá năm 1831, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1998.
Thành có chu vi hơn 2,5 km, gồm 3 cửa ra vào thành. Hệ thống kênh hào bao quanh thành để phòng thủ được thiết kế theo hình lục giác, sâu 3 m, nhiều đoạn rộng 28 m.

Nước thải ứ đọng trong hào thành cổ Vinh gây ô nhiễm nặng
ẢNH: K.HOAN
Cùng với việc cải tạo kênh Bắc, năm 2016, hào thành cổ Vinh được cải tạo với kinh phí gần 140 tỉ đồng, do UBND TP.Vinh làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm việc nạo vét hào thành, xây bờ kè dọc hai bên bờ hào, hệ thống thu gom nước thải, tạo cảnh quan quanh hào thành.
Những tưởng dự án này sẽ chấm dứt được tình trạng ô nhiễm cho hàng ngàn hộ dân sống xung quanh hào, nhưng kỳ vọng ấy đã không thành hiện thực. Sau 2 năm thi công, dự án hoàn thành, cảnh quan hào thành đẹp hơn, nhưng tình trạng ô nhiễm không những không được cải thiện mà còn trở nên trầm trọng hơn.
Sinh sống ở đây từ năm 1978, ông Phan Văn Hưng cho biết, khi chưa cải tạo, nạo vét, nước trong hào vẫn chảy và có nhiều bèo, cây cối xung quanh nên nước đỡ bốc mùi hơn.
"Từ khi cải tạo, nâng cấp, nước chuyển màu đen và đọng lại, không còn lưu thông như trước nên ô nhiễm rất nặng. Chúng tôi ít khi dám mở cửa nhà vì mùi hôi rất khó chịu, gây đau đầu, choáng váng. Nước ứ đọng, trở thành nơi muỗi sinh sản, bay vào đầy nhà, rất khổ sở", ông Hưng phản ánh.
Theo thiết kế, nước thải sinh hoạt của người dân sống phía trong và ngoài hào thành được thu gom bằng hệ thống riêng biệt. Chỉ khi có mưa, lượng nước đủ lớn tạo áp lực để hệ thống cửa xả tự động thì cửa mới xả nước vào hào thành. Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết, trời không mưa, nước thải vẫn liên tục chảy xuống hào theo cửa xả nước mưa này.
Một lãnh đạo Công ty CP quản lý hạ tầng đô thị Vinh (được giao quản lý, vận hành hào thành) cũng xác nhận nguyên nhân chính khiến nước hào thành bị ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt chảy vào hào khi trời không mưa. Mặc dù được thiết kế riêng, nhưng do đường ống dẫn nước thải bị tắc khiến nước chảy tràn ra theo cửa xả nước mưa, do đường ống nước thải có một số đoạn thiết kế nhỏ, đường kính chỉ 30 cm nên gây nghẽn.
Để cứu hào thành cổ thoát khỏi ô nhiễm, mới đây, UBND TP.Vinh đã lập dự án bơm nước từ sông Vinh vào hào thành để giảm ô nhiễm. Ông Nguyễn Ngọc Phong, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP.Vinh cho biết dự án có vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng để lắp đặt máy bơm công suất lớn ở sông Vinh (cách hào cổ khoảng hơn 1 km) và đường ống dẫn nước đến hào thành. Mục tiêu để pha loãng nước trong hào thành khi nước hào thành hạ thấp, nhằm giảm ô nhiễm.
"Giải pháp này chỉ làm giảm ô nhiễm chứ không xử lý triệt để được. Muốn hào thành hết ô nhiễm phải cải tạo hệ thống mương gom nước thải quanh hào thành để nước thải không chảy vào hào khi trời không mưa", ông Phong nói.
Phương án cải tạo lại hệ thống đường ống gom nước thải quanh hào thành đã được UBND TP.Vinh đề cập từ các năm trước, tuy nhiên do chưa bố trí được vốn nên chưa thực hiện được. Riêng tuyến kênh Bắc, ông Phong cũng cho biết hiện tại chưa có phương án cụ thể để xử lý mà vẫn phải chờ vốn.
Ngoài việc nước thải "bất tuân" quy hoạch, chảy vào kênh Bắc và hào thành gây ô nhiễm, lãnh đạo Công ty CP quản lý hạ tầng đô thị Vinh cho biết, nhà máy xử lý nước thải của TP.Vinh hiện đang bị quá tải. Hiện nay, mỗi ngày TP.Vinh thải ra khoảng 50.000 m3, trong khi thiết kế của nhà máy hiện chỉ xử lý được khoảng 25.100 m3/ngày.
Hệ thống quá tải, không thu gom, xử lý hết được nên lượng nước thải thừa chảy tràn ra ngoài gây ô nhiễm.