Sức khỏe

Dấu hiệu bất ngờ của huyết áp cao xuất hiện ở ngón tay

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, đa phần người bệnh huyết áp cao không có triệu chứng rõ ràng. Chính vì vậy, bệnh này còn được gọi là "kẻ giết người thầm lặng".

Tuy nhiên, ở mức huyết áp cực kỳ cao (180/120 mmHg trở lên), người bệnh có thể gặp các dấu hiệu cảnh báo như đau đầu dữ dội, khó thở, mờ mắt, ù tai, lú lẫn. Các triệu chứng nghiêm trọng khác bao gồm đau ngực, chảy máu cam, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, cảm giác lo lắng.

Dấu hiệu bất ngờ của huyết áp cao xuất hiện ở ngón tay - Ảnh 1.

Một dấu hiệu đáng chú ý của huyết áp cao là tình trạng sưng ngón tay hoặc bàn tay

Ảnh minh họa: AI

Ngón tay sưng - dấu hiệu ít ngờ tới của huyết áp cao

Đặc biệt, một dấu hiệu bất ngờ nhưng đáng chú ý của huyết áp cao là tình trạng sưng ngón tay hoặc bàn tay, theo trang tin sức khỏe Health Digest.

Nguyên nhân có thể do tim phải hoạt động mạnh hơn để bơm máu, khiến máu khó di chuyển từ các chi về tim. Điều này có thể khiến ngón tay bị sưng. Đồng thời, huyết áp cao thường do lượng natri cao trong chế độ ăn uống, khiến cơ thể giữ nước nhiều hơn. Lượng dịch dư thừa này có thể khiến ngón tay sưng lên. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, bạn nên kiểm tra huyết áp.

Thêm vào đó, huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến bệnh thận. Thận có nhiệm vụ loại bỏ chất thải ra khỏi máu và giữ cân bằng chất lỏng. Không được cung cấp đủ máu, thận có thể suy giảm chức năng, dẫn đến phù nề, hoặc tích tụ dịch trong các mô. Mặc dù phù thường thấy ở chân và bàn chân, hiện tượng này cũng có thể xuất hiện ở tay và ngón tay. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị huyết áp cao cũng có tác dụng phụ gây sưng ngón tay và bàn tay.

Dấu hiệu bất ngờ của huyết áp cao xuất hiện ở ngón tay - Ảnh 2.

Tập thể dục đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần rất tốt cho sức khỏe tổng thể

Ảnh: AI

Mẹo kiểm soát huyết áp

Nhiều yếu tố góp phần gây tăng huyết áp, bao gồm: Chế độ ăn nhiều muối và chất béo bão hòa, ít rau củ quả, hút thuốc, uống rượu, béo phì, tuổi cao, di truyền và lối sống ít vận động.

Phát hiện sớm bệnh có thể giúp điều chỉnh lối sống kịp thời mà không cần dùng thuốc.

Các thay đổi được khuyến nghị gồm:

  • Cắt giảm muối (natri) và áp dụng chế độ ăn ngăn ngừa huyết áp cao DASH (gồm nhiều trái cây và rau; ngũ cốc nguyên hạt; các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo; thịt nạc, thịt gia cầm và cá; các loại hạt và đậu, sử dụng dầu thực vật để nấu ăn; hạn chế đường).
  • Tập thể dục đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.

Ngay cả khi phải dùng thuốc, những điều chỉnh này cũng giúp tăng hiệu quả kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng về tim mạch và thận, theo Health Digest.

Các tin khác