Quản trị

Twitter thành X: Cú búng tay thổi bay hàng tỷ đô la giá trị thương hiệu

Giao diện mới của Twitter sau khi đổi thành X. (Ảnh chụp màn hình).

Twitter là một trong những trường hợp hiếm hoi mà thương hiệu của công ty trở thành động từ thông dụng trong cuộc sống. Và việc chủ sở hữu của một thương hiệu như vậy công bố kế hoạch thay đổi tên của nó lại càng hiếm gặp hơn.

Như đã đưa tin trước  đó, tỷ phú Elon Musk đã đưa ra quyết định táo bạo khi thực hiện thay đổi tên Twitter thành X, đồng thời loại bỏ biểu tượng chim xanh quen thuộc cùng nhiều thứ liên quan khác, kể cả tweet.

Theo các nhà phân tích và đơn vị làm thương hiệu động thái của Musk đã xóa sạch vùng giá trị trong khoảng từ 4 tỷ đến 20 tỷ USD.

Giá trị thương hiệu của Twitter ước tính khoảng 4 tỷ USD, theo công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance. Trong khi đó, công ty này định giá thương hiệu Facebook ở mức 59 tỷ USD và Instagram ở mức 47,4 tỷ USD. Đại học Vanderbilt ước tính giá trị thương hiệu của Twitter ở mức 15 tỷ đến 20 tỷ USD, tương đương với Snapchat. 

Steve Susi, giám đốc truyền thông thương hiệu của Siegel & Gale cho biết: “Phải mất hơn 15 năm để thu về giá trị lớn như vậy trên toàn cầu, do đó việc đánh mất Twitter với tư cách là một thương hiệu là một tổn thất lớn về tài chính".

Các nhà phân tích gọi việc đổi tên sản phẩm là một sai lầm. Todd Irwin, người sáng lập Fazer, cho biết Twitter là một trong những thương hiệu truyền thông xã hội dễ nhận biết nhất. Hình ảnh con chim tô điểm cho các doanh nghiệp nhỏ và trang web trên toàn thế giới, bên cạnh logo của Instagram và Facebook.

Sự phổ biến của Twitter cũng khiến những động từ như “tweet” và “retweet” trở thành một phần của văn hóa hiện đại, được sử dụng thường xuyên để giải thích cách những người nổi tiếng, chính trị gia và những người khác giao tiếp với công chúng.

Joshua White, trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Vanderbilt nhận định X sẽ buộc công ty xây dựng lại sức hút văn hóa và sự đồng thuận về ngôn ngữ đó từ đầu. Tuy vậy, đó có thể là một phần động lực để người dùng ngừng so sánh Twitter sau khi tiếp quản với những gì trước đây.

Việc đổi tên cũng không hề hiếm trong giới công nghệ vài năm qua. Google đổi thành Alphabet để cho phép các doanh nghiệp khác nhau trong công ty phát triển mà không bị ràng buộc với công cụ tìm kiếm. Facebook đổi thành Meta Platforms để nhấn mạnh cam kết của công ty đối với metaverse.

Có một điểm khác là tên của những sản phẩm giá trị vẫn được giữ lại khi những thương hiệu này đổi tên. Người ta vẫn tìm kiếm bằng Google và lướt mạng xã hội Facebook. 

Dipanjan Chatterjee, nhà phân tích của Forrester Research cho biết rất khó xác định giá trị thương hiệu và không có cách tiếp cận cụ thể, đó là lý do tại sao các ước tính khác nhau. Ví dụ, Brand Finance ước tính thương hiệu Twitter đã mất 32% giá trị kể từ năm ngoái. Khi nhận thức về thương hiệu của Twitter đã thay đổi, các nhà quảng cáo đã rời bỏ nền tảng. Doanh thu quảng cáo tại Twitter đã giảm hơn 50% kể từ tháng 10/2022.

Jasmine Enberg, một nhà phân tích của Insider Intelligence, cho biết: “Thương hiệu công ty của Twitter đã gắn liền với thương hiệu cá nhân của Musk, dù có hoặc không có tên X, và phần lớn giá trị thương hiệu mất nhiều năm gầy dựng của Twitter đã biến mất đối với người dùng và nhà quảng cáo."

Động thái mới này mang đến những rủi ro trong tương lai cho tham vọng của Musk. Việc xây dựng ngân hàng và thanh toán trong ứng dụng sẽ đòi hỏi sự tin tưởng của khách hàng, điều khó đạt được với một tên sản phẩm hoàn toàn mới.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/3), miền Bắc tiếp tục hình thái thời tiết nhiều mây, sáng và đêm có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Từ chiều tối và đêm 15/3, miền Bắc có thể đón không khí lạnh tăng cường, trời chuyển rét, vùng núi rét đậm, rét hại.

Savills: Chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM cao thứ 2 trong khu vực

Việc sở hữu một ngôi nhà là mong muốn chính đáng của người dân ở mỗi quốc gia và được các Chính phủ chú trọng đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết bài toán nhà ở. Ở các đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM, khả năng chi trả cho nhà ở, dù là thuê hay mua, là một thách thức lớn đòi hòi sự can thiệp của Chính phủ ở nhiều khía cạnh.

Bi hài khách mua ép giá chủ nhà: “Anh chị trả giá nhà em mới tới tầng 1 à, nhà em còn 3 lầu nữa!”

Tình trạng người mua liên tục trả giá, thậm chí “trả bỏ” (tức trả xong rồi đi) vẫn diễn ra trên thị trường nhà đất. Đây cũng là lý do dù đã giảm giá nhưng rất ít giao dịch đi đến thành công, phần lớn vì tâm lý người mua còn kì vọng giá giảm thêm.