Xã hội

Đại lộ nghìn tỉ Tây Thăng Long "tắc" giải phóng mặt bằng

Những ngày giữa tháng 7, trên công trường thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng) trên địa bàn Q.Bắc Từ Liêm cũ (nay là P.Đông Ngạc) chỉ lác đác vài bóng người thi công.

Giải phóng mặt bằng đại lộ nghìn tỉ 'đóng băng' sau khi bỏ chính quyền cấp huyện - Ảnh 1.

Dự án đầu tư xây dựng đường Tây Thăng Long, đoạn đi qua địa bàn P.Đông Ngạc đang tắc giải phóng mặt bằng khiến tuyến đường nghìn tỉ không phát huy được hiệu quả

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Đại lộ nghìn tỉ "lụt" tiến độ

Theo quy mô đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, gồm công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xây dựng mới tuyến đường với chiều dài hơn 3,2 km với 10 làn xe. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2017 đến năm 2020, nhưng đến nay đã chậm tiến độ 5 năm và chưa rõ ngày về đích.

Ở thời điểm hiện tại, đại lộ này mới cơ bản hoàn thành từ nút giao với đường Văn Tiến Dũng (khu liên cơ Q.Bắc Từ Liêm cũ) đến gần sông Nhuệ (P.Đông Ngạc). Riêng từ khu vực sông Nhuệ đến nút giao với đường Vành đai 3 (đối diện công viên Hòa Bình) hiện vẫn đang "tắc" giải phóng mặt bằng là nhà của hàng trăm hộ dân.

Giải phóng mặt bằng đại lộ nghìn tỉ 'đóng băng' sau khi bỏ chính quyền cấp huyện - Ảnh 2.
Giải phóng mặt bằng đại lộ nghìn tỉ 'đóng băng' sau khi bỏ chính quyền cấp huyện - Ảnh 3.

Dây phản quang được giăng tạm bợ cảnh báo khu vực thi công dở dang của dự án

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Trong khi đó, khu vực đoạn tuyến từ đường Văn Tiến Dũng đến cầu Noi đang thi công theo kiểu "xôi đỗ". Nhiều vị trí trở thành nơi tập kết cống hộp, vật liệu xây dựng hoặc bãi đỗ xe.

Tại khu vực cầu bắc qua sông Nhuệ (ở 7B cầu Noi) hay lối vào Học viện Cảnh sát nhân dân, dây phản quang được giăng tạm bợ lên những chiếc cọc tre để cảnh báo khu vực thi công dở dang có hố sâu nguy hiểm.

Nhiều đoạn khác thuộc dự án cũng mới chỉ rải nền mặt đường còn các hạng mục cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng... vẫn chưa hoàn thiện. Riêng đoạn đường từ trụ sở Đảng ủy - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc P.Đông Ngạc đến nút giao Phạm Văn Đồng chưa được triển khai do vướng mặt bằng.

Giải phóng mặt bằng đại lộ nghìn tỉ 'đóng băng' sau khi bỏ chính quyền cấp huyện - Ảnh 4.

Cống hộp, tấm tôn được dựng giữa đường trên đại lộ nghìn tỉ

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Có nhà thuộc diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đại lộ nghìn tỉ đồng, chị H. (ở P.Đông Ngạc) cho biết, sau khi có thay đổi về việc bỏ chính quyền cấp huyện, sáp nhập xã, đến nay, chị cùng nhiều người dân ở địa phương chưa nghe thông tin tiếp theo về việc triển khai phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Theo chị H., vài năm trước, cơ quan chức năng đưa ra giá bồi thường khi thu hồi đất của gia đình là 18 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thị trường quanh khu vực gần nhà chị H. dao động từ 200 - 300 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Với mức bồi thường này, chị H. thấy không đủ mua một mảnh đất khác để ở, chưa kể đến tiền để xây nhà mới. Vì vậy, chị đã đấu tranh đòi quyền lợi cho thỏa đáng.

Hồi tháng 4 vừa qua thì có thông tin Nhà nước sẽ hỗ trợ tái định cư bằng đất cho các hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do chưa có thông báo chính thức bằng văn bản nên chị H. cùng bà con trong khu vực vẫn cảm thấy mông lung. 

"Tôi mong muốn việc hỗ trợ tái định cư được xử lý nhanh và dứt điểm để ổn định cuộc sống. Giờ nhà cửa xuống cấp cũng không dám sửa sang lại vì sợ khi thu hồi cũng không được đền bù thêm", chị H. nói.

Giải phóng mặt bằng đại lộ nghìn tỉ 'đóng băng' sau khi bỏ chính quyền cấp huyện - Ảnh 5.

Còn hơn 400 hộ dân P.Cổ Nhuế 2 cũ chưa được giải phóng mặt bằng

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Đã bàn giao toàn bộ hồ sơ dự án cho P.Đông Ngạc

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, một lãnh đạo tổ dân phố trên địa bàn P.Đông Ngạc cho biết, UBND Q.Bắc Từ Liêm cũ chủ trì công tác giải phóng mặt bằng từng đã lên lịch họp dân để thông báo về phương án đền bù, giải phóng mặt bằng vào ngày 15.4. Tuy nhiên cuộc họp sau đó đã không diễn ra. 

"Phía tổ dân phố chúng tôi cũng đã thông tin với nhân dân rằng khi bộ máy hành chính mới đi vào hoạt động thì sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo", vị này nói.

Liên quan đến công tác tái định cư bằng đất, một lãnh đạo UBND Q.Bắc Từ Liêm cũ xác nhận vướng mắc lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án là bố trí khu tái định cư cho hơn 400 hộ dân ở P.Cổ Nhuế 2 cũ.

Tuy nhiên, hồi tháng 4 vừa qua, việc này đã được tháo gỡ khi UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho quận bố trí đất để làm khu tái định cư cho các hộ dân. Và khi kết thúc hoạt động chính quyền cấp huyện, phía Q.Bắc Từ Liêm cũ đã bàn giao toàn bộ hồ sơ cho UBND P.Đông Ngạc (chính thức thành lập từ ngày 1.7.2025).

Ngày 16.7, khi PV Thanh Niên liên hệ ông Nguyễn Văn Hách, Chủ tịch UBND P.Đông Ngạc, để hỏi về kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng, phương án thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư thì được hướng dẫn liên hệ ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND P.Đông Ngạc, để trao đổi thông tin. 

Phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ với ông Công nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Các tin khác

Những người không nên uống cà phê

Cà phê là thức uống được nhiều người yêu thích nhưng không phải ai cũng có thể uống được, dưới đây là những người không nên uống cà phê.

TPBank: Lợi nhuận 6 tháng vượt 4.100 tỷ, tổng tài sản vượt mốc 428.600 tỷ đồng

Tiếp tục mở rộng hệ sinh thái số, tối ưu vốn và đa dạng hóa nguồn thu, TPBank duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận 6 tháng đầu năm vượt 4.100 tỷ đồng, quy mô tài sản vượt mốc 17 tỷ USD (428.600 tỷ đồng). Cổ phiếu TPB thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ nhà đầu tư trong và ngoài nước với nhiều phiên tăng giá tốt.

Bỏ thanh tra y tế, ai kiểm tra, xử phạt cơ sở y tế vi phạm?

Theo quy định của luật Thanh tra năm 2025, từ ngày 1.7, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM chính thức ngưng hoạt động. Vậy việc kiểm tra, xử lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và tiếp nhận phản ánh từ người dân sẽ được thực hiện như thế nào?