Doanh nghiệp

Đại gia xây nhà máy 4.000 tỷ tại Việt Nam: Phục hưng Volvo, đưa Lotus cars lội ngược dòng ngoạn mục

TIN MỚI

Mối “lương duyên” của Geely và Lotus Cars Limited

Ngày 2/8/2010 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, khi Geely chính thức mua lại thương hiệu Volvo từ Ford với giá 1,8 tỷ USD – thương vụ mua lại lớn nhất ở nước ngoài của một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thời bấy giờ. Volvo sau đó liên tiếp gặt hái "quả ngọt" về doanh số. Trong năm 2024, doanh số đạt 763.389 xe, tăng 8% so với năm 2023 và lập kỷ lục mới trong lịch sử thương hiệu.

Volvo không phải là thương hiệu duy nhất được hồi sinh bởi Geely. Geely thực sự "mát tay" khi mà đã "phục hưng" thêm một tên tuổi trong làng xe thể thao Anh Quốc Lotus Cars Limited.

Là hãng xe thể thao và xe đua được thành lập vào năm 1952 tại Hethel, Norfolk, bởi hai kỹ sư Colin Chapman và Colin Dare, Lotus Cars Limited nổi tiếng với việc thiết kế và chế tạo các mẫu xe có trọng lượng nhẹ, hiệu suất cao và khả năng xử lý tuyệt vời. Trong thập niên 1960 và 1970, Lotus đạt đến đỉnh cao với các mẫu xe biểu tượng như Eclat, Elite và Seven, đồng thời gặt hái nhiều thành công trong giải đua Công thức 1.

Đại gia xây nhà máy 4.000 tỷ tại Việt Nam: Phục hưng Volvo, đưa Lotus cars lội ngược dòng ngoạn mục- Ảnh 1.

Lotus Exige Sport 420 tại Việt Nam.

Lotus nổi tiếng với việc thiết kế và sản xuất những chiếc xe thể thao siêu sang có trọng lượng nhẹ, hiệu suất cao và khả năng xử lý tuyệt vời. Hãng tập trung vào việc thiết kế giảm trọng lượng xe, giúp cải thiện hiệu suất và tăng cường trải nghiệm lái. Điều này mang lại cho Lotus lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp những chiếc xe có khả năng vận hành linh hoạt và nhạy bén, đáp ứng nhu cầu của những người đam mê tốc độ và cảm giác lái chân thực.

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1970, mặc dù đạt được những thành công đáng kể, Lotus đã phải đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng. Công ty vướng vào vụ bê bối liên quan đến DeLorean Motor Company, bị buộc tội lừa dối Chính phủ Anh, dẫn đến những khó khăn về tài chính và uy tín.

Trước khi Geely đầu tư vào năm 2017, Lotus đã trải qua nhiều biến động về quyền sở hữu và gặp khó khăn trong việc duy trì doanh số cũng như phát triển sản phẩm mới. Hãng không có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, và các sản phẩm của họ không tạo được sự mê mẩn đối với người dùng.

Việc Geely mua lại 51% cổ phần của Lotus vào năm 2017 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, giúp hãng xe thể thao Anh Quốc này hồi sinh.

Cú lội ngược dòng ngoạn mục của Lotus sau khi về tay Geely

Vào tháng 11/2023, Lotus Technology Inc., nhánh xe điện của Lotus, đã huy động được 870 triệu USD trước khi niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua việc sáp nhập với công ty SPAC L Catterton Asia Acquisition. Thương vụ này được hỗ trợ bởi tập đoàn xa xỉ LVMH, chủ sở hữu thương hiệu Louis Vuitton. Lotus Technology được định giá ở mức 5,5 tỷ USD trong đợt tài trợ này.

Lotus Technology dự kiến doanh thu hàng năm sẽ tăng từ 900 triệu USD lên 1,2 tỷ USD trong năm 2023 và đạt 8,6 tỷ USD vào năm 2025 khi công ty giới thiệu các mẫu xe mới.

Một trong những điểm nhấn của chiến lược kinh doanh của Lotus, đó là đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô chỉ sử dụng xe điện vào năm 2028, tương tự như kế hoạch của Volvo.

Vào tháng 4 năm 2021, Lotus đã công bố kế hoạch chỉ sản xuất xe điện vào năm 2028 và tăng số lượng sản xuất từ khoảng 1.500 chiếc mỗi năm lên hàng chục nghìn chiếc. Geely và Etika Automotive đã cung cấp 2 tỷ bảng Anh (tương đương 2,8 tỷ USD) để hỗ trợ cho những thay đổi này.

Đại gia xây nhà máy 4.000 tỷ tại Việt Nam: Phục hưng Volvo, đưa Lotus cars lội ngược dòng ngoạn mục- Ảnh 2.

Tự động hóa tại nhà máy của Geely.

Trong quý II năm 2024, Lotus Technology đã giao 2.679 xe, tăng so với 2.194 xe trong quý I. Doanh thu trong quý II đạt 225 triệu USD, tăng so với 111 triệu USD cùng kỳ năm trước. Doanh số toàn cầu của Lotus Cars đã đạt mức cao mới vượt quá 2.000 xe vào tháng 12 năm 2024, một kỷ lục mới trong lịch sử và xếp hạng trong số 3 thương hiệu xe thể thao siêu sang hàng đầu.

Thương hiệu này dự kiến đã vượt doanh số bán hàng hàng năm là 10.000 xe vào năm 2024, đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình hồi sinh và chuyển đổi điện khí hóa.

Dấu mốc mới tại Việt Nam của Geely

Geely đã hiện diện tại Việt Nam thông qua đối tác Tasco Auto - đơn vị đang nắm rất nhiều thương hiệu ô tô khác, từ Volvo, Lynk & Co và sắp tới đây còn có Zeekr. “Gã khổng lồ” Trung Quốc hiện đã lộ diện những showroom đầu tiên tại Hà Nội và dự kiến ra mắt hàng loạt xe mới trong tháng 3 tới.

Không chỉ đầu tư lớn vào việc xây dựng showroom hiện đại, Geely còn tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất và hoàn thiện hệ thống chuỗi cung ứng phụ tùng, cùng với việc nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Đại gia xây nhà máy 4.000 tỷ tại Việt Nam: Phục hưng Volvo, đưa Lotus cars lội ngược dòng ngoạn mục- Ảnh 3.

Nhà máy của Geely tại Trung Quốc.

Dự án nhà máy lắp ráp ô tô Tasco Auto - Geely Auto tại khu công nghiệp Tiền Hải trong Khu kinh tế Thái Bình có tổng mức đầu tư dự kiến 168 triệu USD, công suất khoảng 75.000 xe/năm, tạo việc làm trực tiếp cho 1.000 lao động và khoảng 7.000 lao động gián tiếp, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm