Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng biến động mạnh
Sự chưa ổn định của cổ phiếu VinFast cũng như những biến động của bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) trên sàn chứng khoán Việt Nam đã khiến tài sản của ông Phạm Nhật Vượng lên xuống cả chục tỷ USD qua mỗi ngày.
Theo bảng xếp hạng tỷ phú USD cập nhật theo thời gian thực của Forbes, kết phiên giao dịch ngày thứ Sáu khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có giá trị 21,2 tỷ USD. Người giàu nhất Việt Nam đứng vị trí 78 trong danh sách những tỷ phú USD thế giới.
Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh
Trước đó, trong phiên giao dịch mở màn trên sàn Nasdaq Global Select Market ngày 15/8, VFS đã gây bất ngờ khi kết phiên giao dịch đầu tiên với mức tăng mạnh 255% để đóng cửa ở mức giá hơn 37 USD/cổ phiếu. Thậm chí trong phiên chào sàn, có thời điểm VFS đạt 38,78 USD/cổ phiếu. Với mức giá đóng cửa ở phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq Global Select Market, giá trị vốn hóa thị trường của Vinfast đạt khoảng 85 tỷ USD – vượt xa giá trị vốn hóa thị trường của Ford, General Motors hay Chrysler Stellantis.
Nhà sáng lập VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ khoảng 99% cổ phần của doanh nghiệp, điều này đã khiến khối tài sản của tỷ phú 55 tuổi đã tăng gấp 8 lần trong ngày Vinfast chào sàn ấn tượng tại Mỹ.
Trong phiên ngày 16/8, Forbes có thời điểm đánh giá tỷ phú Vượng có 84 tỷ USD và xếp thứ hạng 16 trên thế giới. Tuy nhiên, tạp chí này sau đó vài giờ đã điều chỉnh xuống mức khá tương đồng với đánh giá của Bloomberg, ở mức hơn 44 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch 18/8, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng còn giảm theo đà giảm của bộ 3 cổ phiếu bất động sản Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sau khi có những thông tin xấu đến từ thị trường bất động sản Trung Quốc.
Chủ tịch một công ty bất động sản bán chui 2,6 triệu cổ phiếu, HoSE hủy giao dịch
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) mới đây, đã thông báo về việc loại bỏ đối với giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG của ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch Công ty CP Đầu tư LDG (LDG) vì đã bán cổ phiếu mà không công bố thông tin trước giao dịch theo quy định.
Cụ thể, theo thông báo của HOSE, cơ quan này sẽ thực hiện loại bỏ đối với giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG ngày 15/8/2023 của ông Nguyễn Khánh Hưng.
Nguyên nhân do ông Nguyễn Khánh Hưng bán cổ phiếu mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch, theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Số cổ phiếu này được ông Hưng bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh, chiếm 22,81% khối lượng khớp lệnh cổ phiếu này trên toàn thị trường (giá trị gần 16,7 tỷ đồng).
Ngày 15/8/2023, HOSE đã có công văn yêu cầu ông Nguyễn Khánh Hưng giải trình về điều này. Đồng thời, HOSE cũng có văn bản gửi Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt phối hợp thực hiện biện pháp kiểm soát thông tin trước giao dịch của ông Nguyễn Khánh Hưng.
Doanh thu TGDĐ giảm sút, chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói gì về biên lợi nhuận?
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động vừa công bố kết quả sơ bộ tháng 7 với doanh thu 9.800 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng gần 4% so với tháng 6.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu của MWG đạt 66.370 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái và tương ứng thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu cả năm. Trong tháng 7, doanh thu từ chuỗi Thế Giới Di động/ Điện Máy Xanh đạt 6.700 tỷ đồng, tương đương tháng 6/2023.
Đại gia Nguyễn Đức Tài đánh giá triển vọng không mấy lạc quan của thị trường bán lẻ
Còn chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu vượt 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với tháng trước. Doanh thu bình quân của một cửa hàng trong chuỗi tiếp tục cải thiện lên mức 1,6 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu online).
Theo MWG, nửa cuối năm 2023 vẫn được xác định là giai đoạn khó khăn đối với người tiêu dùng, công ty đang chuyển hướng để thực thi chiến lược giá tốt nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu tiết kiệm của khách hàng.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài nhận định tổng quan sức mua ngành bán lẻ sẽ không cải thiện đáng kể, dù tới mùa mua sắm cho dịp Giáng sinh, lễ Tết, đơn giản là do nền kinh tế phục hồi khá chậm chạp.
"Việc đặt kỳ vọng vào thị trường bán lẻ sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024 như trước giai đoạn COVID-19 là lạc quan quá mức", Chủ tịch MWG nói.
Trả lời câu hỏi của cổ đông rằng biên lợi nhuận có thể quay lại mức cao như trước đây không, ông Nguyễn Đức Tài cho biết MWG tập trung vào lợi nhuận tuyệt đối chứ không phải biên.
Con trai Chủ tịch VIB bán toàn bộ gần 125 triệu cổ phiếu, thu hàng nghìn tỷ đồng
Ông Đặng Quang Tuấn, con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) Đặng Khắc Vỹ, đã bán số cổ phiếu này trong thời gian từ 21/7 đến 9/8.
Sau khi chuyển nhượng bằng phương thức thoả thuận 124,7 triệu cổ phiếu VIB (4,91% vốn), ông Đặng Quang Tuấn không còn sở hữu cổ phần nào tại nhà băng này.
Theo dữ liệu, trong khoảng thời gian trên, 143 triệu cổ phiếu VIB đã được trao tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Với việc sang tay thỏa thuận gần 125 triệu cổ phiếu VIB, ông Tuấn có thể thu về hơn 2.600 tỷ đồng từ thương vụ.
Trên thị trường chứng khoán, liên tiếp trong 10 ngày cuối tháng 7 và từ 4-9/8, cổ phiếu VIB ghi nhận các phiên có giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn.
Ngày 21/7, hơn 31 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị hơn 650 tỷ đồng. Ngày 25, 27 và 31/7, mỗi phiên ghi nhận hơn 21 triệu cổ phiếu VIB được thỏa thuận với quy mô đều trên 400 tỷ đồng. Đầu tháng 8, quy mô thỏa thuận ghi nhận vài triệu đơn vị mỗi phiên.
Tính theo giá bình quân trong những phiên này, ước tính ông Tuấn đã thu về hơn 2.600 tỷ đồng.