Chứng khoán

Đại diện BAF: Chăn nuôi heo muốn thành công phải chủ động được nguồn con giống, không thể kinh doanh trên nền tảng mua giống trôi nổi trên thị trường

"Có 5 yếu tố quyết định thành công của mảng chăn nuôi heo, mà điều căn bản đầu tiên là phải chủ động được nguồn con giống. Không thể kinh doanh chăn nuôi trên nền tảng mua giống trôi nổi trên thị trường", ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Tân Long Group, đại diện cổ đông lớn sở hữu 20,5% vốn - chia sẻ tại ĐHĐCĐ của CTCP nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF).

Được thành lập vào năm 2017, BAF hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi heo, chế biến và cung ứng thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng. Chỉ vừa niêm yết cổ phiếu lên HoSE từ đầu năm, cổ phiếu BAF đã gây chú ý khi liên tục tăng mạnh, hiện đã đạt mức giá 62.000 đồng/cp.

Năm 2022, BAF lên kế hoạch doanh thu thuần 5.950 tỷ đồng, giảm đến 43% so với thực hiện năm 2021 nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế lại tăng 25%, ở mức 402 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là mảng chăn nuôi với doanh thu dự kiến 1.272 tỷ đồng, nâng tỷ trọng đóng góp từ 7% (năm 2021) lên 21% tổng doanh thu. Kế đến là kinh doanh nông sản và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đại diện BAF: Chăn nuôi heo muốn thành công phải chủ động được nguồn con giống, không thể kinh doanh trên nền tảng mua giống trôi nổi trên thị trường - Ảnh 1.

Xác định con giống là vấn đề cốt lõi, BaF cho biết đã ký hợp đồng độc quyền với Genesus. Hiện, BAF cũng đã ký độc quyền với đối tác này tại Việt Nam và Myanmar về con giống.

Điều quan trọng thứ hai theo ông Bá là thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp phải chủ động cho chính đàn heo của mình.

Thứ ba là hệ thống chuồng trại phải hiện đại, chuẩn an toàn sinh học cao, để đảm bảo con heo ít sử dụng thuốc kháng sinh, ít bị dịch bệnh, đảm bảo chất lượng thịt.

Thứ tư là hệ thống quản trị, nhân sự và kỹ thuật chăn nuôi. Ông Trương Sỹ Bá cho biết, nuôi heo nhìn thì thế nhưng lại rất khó, vì nuôi con vật sống với đặc điểm là tầm 90-110kg nếu không xuất bán thì con heo ăn rất nhiều nhưng không tăng cân nhanh như giai đoạn trước, càng nuôi càng lỗ. Còn nếu số kg nhiều hơn thì giá bán rất rẻ vì mỡ nhiều, do vậy cần một bộ máy, hệ thống, hệ thống quản lý kỹ thuật để giám sát và vận hành tối ưu.

Cuối cùng là an toàn sinh học: cuối năm 2019-2020, dịch tả lợn châu phi hoành hành nghiêm trọng làm tổng đàn heo ở Việt Nam giảm và giá heo hơi lên 100.000 đồng/kg. Như vậy, bảo vệ đàn heo không bị dịch bệnh cũng là chuyện sống còn với chăn nuôi.

Riêng BAF, chỉ dừng lại nuôi heo hơi rồi bán ra thị trường, tức chuỗi 3F chỉ dừng lại ở Feed-Farm thì không phải là mục tiêu chiến lược của Công ty và sẽ không cạnh tranh được với các tập đoàn FDI.

"BAF bắt buộc phải khép kín chuỗi 3F, trong đó Food là mảng quan trọng, giúp công ty không bán heo hơi mà tiến tới 100% giết mổ, thông qua kênh phân phối và chuỗi Siba Food, quầy Meat Shop để tiêu thụ tới người tiêu dùng cuối. Ngoài ra, chế biến sâu ra sản phẩm giò chả, xúc xích để nâng cao giá trị gia tăng của con heo", ông Bá nói.

Nếu xây dựng được chuỗi 3F hoàn chỉnh mới tạo được khác biệt, vì chưa có công ty nào có đủ chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến bàn ăn, các tập đoàn lớn cũng chỉ làm được 5-7% tổng đàn. Mục tiêu BAF hướng đến là giá bán heo hơi tối thiểu 50.000 đồng/cp ở các chuỗi bán lẻ của mình.

Dự kiến đến năm 2025, BAF sẽ có 5.000 cửa hàng Siba Food (cửa hàng mẹ) và 15.000 cửa hàng Meat shop (cửa hàng con), đến năm 2030 là 1.500 cửa hàng mẹ và 15.000 cửa hàng Meat Shop và mỗi cửa hàng Meat shop bán 1-1,5 con heo/ngày.

Chiến lược dài hơi cho 5 năm tới, BAF đặt mục tiêu trở thành Top 3 công ty về chuỗi hoàn thiện 3F, có 35-40 trại tới năm 2026, tổng đàn nái sinh sản 65.000-70.000 con, tổng đàn heo thịt bán ra thị trường 2,5 triệu con thương phẩm. Năm 2030, tổng đàn nái sinh sản dự tăng lên 200.000 con, bán ra thị trường 6 triệu con nái thương phẩm.

Với kế hoạch đầu tư trên, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến đến năm 2023 là 4.500 tỷ đồng. Đại hội cũng đã thống nhất việc BAF sẽ tăng vốn lên 1.435 tỷ đồng, đủ vốn đối ứng để có thể dùng vay nợ ngân hàng.

Cụ thể, Công ty sẽ phát hành 35,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 45% (mỗi cổ đông nắm giữ 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền, 100 quyền sẽ được nhận thêm 45 cổ phiếu mới); song song phát hành 30,43 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 39%).

Chủ tịch là ông Phan Ngọc Ấn tiết lộ thêm, dự kiến năm nay sẽ có quỹ đầu tư lớn trên thế giới tham gia vào BAF. Nguồn vốn khi đó sẽ được tăng lên khá lớn, đảm bảo cho cả nhu cầu đầu tư năm 2025.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm