Cuối năm 2016, Vương Vĩnh Phát, một người đàn ông 59 tuổi tên ở thành phố Hohhot, Trung Quốc được nhận 5 triệu NDT (khoảng hơn 17 tỷ đồng) tiền đền bù giải tỏa đất. Ông mang hết tất cả số tiền này đến một ngân hàng tại địa phương, dự định sẽ gửi tiết kiệm để kiếm thêm một khoản lãi suất ổn định.
Tại ngân hàng, Vương Vĩnh Phát được một nhân viên tên họ Lý giới thiệu cho một gói quản lý tài chính. Người này nói rằng trên thực tế, đây vừa là gói quản lý tài chính vừa là bảo hiểm với ưu đãi cao, đặc biệt, chỉ cần sau 5 năm là có thể thu hồi được cả gốc lẫn lãi. Hơn nữa, lãi suất của nó còn cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường ở ngân hàng.
Vì đã lớn tuổi, Vương Vĩnh Phát cho rằng việc mua bảo hiểm cũng là điều cần thiết. Hơn nữa, gói bảo hiểm này cũng không yêu cầu thời hạn lâu dài mà chỉ cần 5 năm. Ngoài ra, vì nhân viên tư vấn họ Lý còn nhắc thêm nếu giá trị gói bảo hiểm càng lớn thì ưu đãi nhận được càng cao. Vì vậy, Vương Vĩnh Phát quyết định ký hợp đồng mua gói bảo hiểm 5 triệu NDT (khoảng hơn 17 tỷ đồng), bằng giá trị của tất cả số tiền đền bù giải tỏa mà ông nhận được.
Đến thời hạn thanh toán, Vương Vĩnh Phát gọi điện thoại cho nhân viên họ Lý thì không liên lạc được. Khi đến ngân hàng để hỏi, người quản lý cho biết họ không phụ trách hồ sơ của ông. Vì sản phẩm ông mua là bảo hiểm nên phải liên hệ với công ty bảo hiểm để được giải quyết. Tuy nhiên, khi kết nối được với nhân viên phụ trách hậu mãi để hỏi về số tiền của mình, Vương Vĩnh Phát bàng hoàng khi nghe những điều mà đầu dây bên kia nói.
Theo lời nhân viên này, ông phải chờ 26 năm nữa, tức là khi ông hơn 100 tuổi mới có thể rút được cả vốn lẫn lãi, muốn nhận riêng lãi cũng phải chờ ít nhất 10 năm. Thời điểm đó, Vương Vĩnh Phát đã 64 tuổi, tuổi cao sức yếu, con số 100 tuổi vẫn là một điều rất xa vời với ông. Hơn nữa, ông đang có bệnh và cần gấp một số tiền lớn để chữa trị.
Vương Vĩnh Phát nhờ con trai tiếp tục liên hệ với ngân hàng tại Hohhot mà ông mua bảo hiểm. Đại diện ngân hàng phản hồi rằng sản phẩm mà ông đã mua là của công ty bảo hiểm nhân thọ Ánh Dương, nhân viên Lý cũng không phải nhân viên của ngân hàng mà chỉ đến để tiếp thị gói bảo hiểm liên kết với ngân hàng. Hai bố con ông Vương Vĩnh Phát đành tìm đến công ty bảo hiểm nhân thọ Ánh Dương để hỏi rõ sự việc.
Tại đây, nhân viên công ty bảo hiểm Ánh Dương xác nhận hợp đồng của Vương Vĩnh Phát là hợp đồng trọn đời. Thậm chí, trong điều lệ đã ghi rõ, nếu muốn rút toàn bộ cả gốc lẫn lãi thì điều kiện tiên quyết phải là người mua bảo hiểm đã qua đời, ủy quyền cho người thụ hưởng đến nhận. Nếu khách hàng muốn rút tiền hoặc thanh lý hợp đồng sớm thì sẽ mất một khoản phí rất lớn.
Ngoài ra, công ty này cho rằng Vương Vĩnh Phát đã hiểu lầm trong quá trình tư vấn, 5 năm là thời hạn bắt đầu nhận được tiền lãi chứ không phải là thời hạn rút cả gốc lẫn lãi. Nghe lời giải thích này, ông vô cùng phẫn nộ và khẳng định không hề nghe được tư vấn rõ ràng những điều như trên.
Vương Vĩnh Phát yêu cầu phía công ty gọi nhân viên Lý đã bán bảo hiểm cho ông đến để xác minh sự việc, nhưng công ty bảo hiểm nhân thọ Ánh Dương trả lời rằng người này nghỉ việc từ lâu và không còn là nhân viên của công ty. Thấy bên bán bảo hiểm có ý định chối bỏ trách nhiệm, con trai ông Vương Vĩnh Phát quyết định gửi đơn kiện công ty này lên tòa án địa phương.
Theo cơ quan chức năng, hợp đồng bảo hiểm này có độ dài đến 30 trang với nhiều thuật ngữ chuyên môn. Đối với một người cao tuổi như Vương Vĩnh Phát, rất khó để tìm hiểu được hết những điều khoản trong hợp đồng nếu không được giải thích kỹ lưỡng.
Sau khi tòa án xác minh sự việc, đã xác nhận nhân viên họ Lý của công ty bảo hiểm nhân thọ Ánh Dương từ đầu đã cố ý tư vấn sai nội dung bảo hiểm với khách hàng. Nhân viên này sẽ bị truy tố và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, công ty bảo hiểm Ánh Dương cũng có trách nhiệm phải bồi thường 50% tiền gốc cho ông Vương Vĩnh Phát vì đã để xảy ra tình trạng nhân viên tư vấn sai như trên.