Đầu tháng 7, Cốc Cốc phát hành báo cáo "Xu hướng tiêu dùng ngành Thời trang Việt Nam".
Để khám phá nhu cầu thời trang của người Việt, Cốc Cốc đã thực hiện nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu 30 triệu người dùng và tiến hành khảo sát 759 đáp viên bằng bảng khảo sát trực tuyến trên nền tảng Cốc Cốc.
Báo cáo chỉ ra rằng gần 50% người tiêu dùng có thói quen mua sắm thời trang hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Cụ thể, 7.4% có tần suất mua sắm hàng ngày, 16.3% hàng tuần, và 28.5% hàng tháng.
"Điều này cho thấy mua sắm thời trang là một nhu cầu quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam", báo cáo viết.
Hai động lực chính khiến người dùng sẵn sàng chi tiêu cho thời trang đến từ việc "đáp ứng nhu cầu cơ bản" và "tự thưởng cho bản thân". Tuy nhiên, có sự khác biệt nhất định giữa các khu vực. Trong khi mua sắm để "phục vụ nhu cầu cơ bản" và "tự thưởng bản thân" phổ biến hơn ở nông thôn, mua sắm để "thay đổi phong cách" và "bắt kịp xu hướng" lại phổ biến hơn ở thành thị.
Dữ liệu từ khảo sát cũng chỉ ra rằng, nữ giới có nhu cầu thời trang đa dạng so với nam giới. Chẳng hạn, top 4 sản phẩm được người tiêu dùng nữ lựa chọn phân bổ khá đồng đều từ phụ kiện, giày dép cho đến túi ví, balo… trong khi, nam giới lại có nhu cầu đơn giản hơn chủ yếu là quần áo, giày dép và đồng hồ.
Phụ nữ cũng sắm đồ nhiều hơn nam giới ở tất cả các nhóm sản phẩm, trừ Trang phục thể thao, tập luyện.
Số liệu từ khảo sát chỉ ra rằng "Chất lượng và thẩm mỹ’ là 2 tiêu chí đầu bảng, được xấp xỉ trên dưới 50% người trả lời cân nhắc khi lựa chọn mua sắm các sản phẩm thời trang, xếp trên các yếu tố khác như giá cả, nhãn hiệu, dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Phái đẹp "kén chọn" hơn nam giới đối với hầu hết các tiêu chí, đặc biệt là yếu tố thẩm mỹ như kiểu dáng, phong cách. Trong khi đó, nam giới lại tỏ ra chú trọng tới thương hiệu hơn so với nữ giới.
Có thể nói "Gen Z là một thế hệ tiêu dùng thông minh và khó tính" khi giá cả và khuyến mãi thu hút giới trẻ nhóm tuổi 18 - 24, tỷ lệ này giảm dần ở các nhóm tuổi lớn hơn. Bên cạnh đó, họ vẫn ưu tiên các yếu tố về chất liệu, độ thoải mái, độ bền nhất, kế tiếp là kiểu dáng, phong cách, trong khi không quá chú trọng thương hiệu - khác với nhóm 25+.
Các kênh mua sắm trực tuyến đang lên ngôi so với các kênh mua sắm truyền thống khi có hơn 41% lựa chọn mua qua Sàn thương mại điện tử và 39% mua qua Mạng xã hội. Đặc biệt, tỷ lệ mua sắm trực tuyến ở nữ giới cao gấp từ 1.2 - 1.4 lần so với nam giới.
Lý do được đưa ra bởi phần lớn người được khảo sát là mua sắm trực tuyến giúp họ "tiết kiệm được thời gian mua bán", "xem được đánh giá sản phẩm" và có "mức giá rẻ hơn so với mua trực tiếp".
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những nguyên nhân khiến cho một lượng không nhỏ người tiêu dùng không lựa chọn mua sắm theo hình thức này. Với họ, việc mua sắm thời trang vẫn cần "thử trực tiếp tại cửa hàng".