Doanh nghiệp

CP Việt Nam dự kiến niêm yết tại HoSE

Thông tin này vừa được Charoen Pokphand Foods (CPF) báo cáo với Sở giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET). Quyết định trên được CPF đưa ra sau cuộc họp hội đồng quản trị hôm 22/4. Theo đó, Công ty cổ phần CP Việt Nam (CPV) sẽ tiến hành các thủ tục để trở thành công ty đại chúng bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông thiểu số.

"Trong trường hợp được cơ quan quản lý chấp thuận, CPV sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE)", CPF nêu trong thông báo. Công ty mẹ này sẽ thông tin thêm về các diễn biến quan trọng tiếp theo.

CPF trực tiếp nắm 29,18% cổ phần CP Việt Nam. 70,82% cổ phần còn lại được CPF gián tiếp nắm giữ thông qua công ty con CP Pokphand (CPP). Doanh nghiệp này hiện niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong. Hồi tháng 10 năm ngoái, CPP cũng thông báo kế hoạch rút niêm yết tại Hong Kong.

CP Group xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1993. Từ đó, CP Việt Nam không ngừng mở rộng, hiện kinh doanh trong 3 lĩnh vực chính gồm thức ăn chuôi nuôi, trang trại và thực phẩm.

Sau gần 30 năm, CP Việt Nam đã trở thành một trong những doanh nghiệp FDI hàng đầu và thống trị thị trường chăn nuôi trong nước. Năm 2020, doanh thu của CP Việt Nam gần 81.000 tỷ, lãi ròng 18.896 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của CP Việt Nam đạt hơn 45.000 tỷ, vốn chủ sở hữu khoảng 35.400 tỷ đồng.

CP Việt Nam đang bỏ xa các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam. Đại gia "nội" Dabaco có doanh thu các năm 2020, 2021 cũng chỉ lần lượt đạt khoảng 10.000 tỷ và hơn 10.800 tỷ đồng.

Ngoài CP Việt Nam, hiện tại một doanh nghiệp FDI lớn khác Aeon Mall cũng có kế hoạch niêm yết tại Việt Nam. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp FDI niêm yết tại thị trường Việt Nam vẫn rất ít và không tên tuổi bằng CP hay Aeon Mall. Tính đến cuối năm ngoái, chỉ có 7 cổ phiếu của doanh nghiệp FDI giao dịch trên sàn HoSE.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm