Theo thông tin từ trang Facebook chính thức của “ Cộng đồng vi mạch Việt Nam ” , thị trường Việt Nam hiện có hơn 40 công ty hoạt động trong ngành bán dẫn, trong đó có 7 công ty bán dẫn nội địa đang hoạt động, bao gồm: FPT Semiconductor, Viettel, Hyphen Deux, VNchip, Connexus, Wavelet và Infrasen.
Trong đó, FPT Semiconductor và Viettel là những doanh nghiệp lớn có năng lực tài chính mạnh và hệ sinh thái công nghệ vững chắc. Các doanh nghiệp còn lại đều là start up.
Sự xuất hiện của các Công ty khởi nghiệp tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đã tạo ra nhiều sự thay đổi thú vị cho ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Đại diện Connexus – một startup trong những cái tên kể trên, thành lập vào năm 2023 tại TP.HCM - cho biết, chiến lược của Connexus không tập trung vào những sản phẩm phổ thông cạnh tranh với các tập đoàn lớn như Intel hay AMD. Thay vào đó, họ chọn khai phá các thị trường ngách – nơi mà sự tùy chỉnh và tối ưu hiệu suất là yếu tố then chốt.
Điểm khác biệt của công nghệ Connexus nằm ở cấu tạo kỹ thuật đặc biệt và linh hoạt của chip. Đã từng thiết kế các IP tiên tiến nhất qua nhiều năm, Connexus hiểu rõ tiềm năng cũng như giới hạn của các thiết bị AI. Vì vậy cách thiết kế cấu trúc bán dẫn của Connexus cho phép tích hợp nhiều tính năng phức tạp trong một không gian cực nhỏ, bên cạnh đó cũng đủ sự linh hoạt cho phép khả năng tuỳ biến thích hợp với ứng dụng AI khác nhau.
Các thiết kế IP độc quyền của Connexus cũng phù hợp với xu hướng "xanh hóa" trong công nghệ, giảm thiểu tiêu hao năng lượng trong quá trình vận hành. Điều này mở ra cơ hội lớn cho công ty khi nhu cầu về công nghệ bền vững ngày càng tăng cao.
Ông Timothy Nguyen, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của công ty Connexus chia sẻ. "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những sản phẩm bán dẫn AI đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam."
Với mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 50% mỗi năm, Connexus đang tập trung cung cấp dịch vụ thiết kế chip bán dẫn, đặc biệt đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chiplet và AI.
Connexus cũng đặt ra kế hoạch IPO trong giai đoạn 5 năm tới, nhằm huy động nguồn lực phát triển và mở rộng quy mô hoạt động.
"Chúng tôi không chỉ phát triển doanh nghiệp, mà còn muốn tạo nên một ngành công nghiệp thực thụ, góp phần định hình tương lai công nghệ Việt Nam," ông Timothy chia sẻ.
Ngành bán dẫn luôn được biết đến là lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ, công nghệ cốt lõi tiên tiến và khả năng bảo vệ sở hữu trí tuệ chặt chẽ. Đây là những rào cản mà các công ty khởi nghiệp phải vượt qua để tham gia vào cuộc chơi toàn cầu. Tại Việt Nam, thách thức còn lớn hơn khi hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm chưa thực sự phát triển mạnh mẽ.
Ông Timothy Nguyen nói: “ Khi tôi còn làm việc tại Silicon Valley, các startup bán dẫn hiện diện ở khắp nơi, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới. Họ táo bạo, sáng tạo và không ngừng thử nghiệm. Nhưng ở Việt Nam, việc thuyết phục các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng của ngành này là một thử thách lớn ."
Điều kiện khắc nghiệt đó không khiến cho các lãnh đạo của Connexus chùn chân. “ Được làm ra sản phẩm bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam chính là mong mỏi lớn nhất khi chúng tôi quyết định trở về quê hương làm việc , ” ông Timothy bày tỏ.
Đội ngũ của công ty hiện có khoảng 30 nhân sự, trong đó có các cựu lãnh đạo cấp cao từ những tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell, eSilicon, Microchip.
Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm trong việc phát triển ngành bán dẫn thông qua "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050". Tuy nhiên, để thúc đẩy những doanh nghiệp như Connexus, cần nhiều hơn những chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp trong ngành cần được tạo điều kiện để hợp tác với các đối tác quốc tế, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố xuyên suốt không thể thiếu.
Theo ông Timothy, để hiện thực hóa giấc mơ đó, cần một hệ sinh thái phát triển đồng bộ, nơi tài năng công nghệ trẻ được phát huy tối đa, cùng sự định hướng chiến lược từ chính phủ. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực. Để đạt được điều đó, cần có sự kết hợp giữa đào tạo nguồn nhân lực trẻ , định hướng dài hạn và sự hỗ trợ chiến lược từ chính phủ. May mắn là gần đây, các chính sách phát triển ngành công nghệ cao tại Việt Nam đã tạo cho chúng tôi động lực lớn”.