Quay đầu lỗ
Theo báo cáo tài chính riêng quý II/2025, công ty mẹ Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) ghi nhận khoản lỗ sau thuế 7 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lãi 121,2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 10,9 tỷ đồng, chỉ thực hiện khoảng 3,7% so với kế hoạch cả năm 2025 là 294 tỷ đồng.

Diễn biến lợi nhuận sau thuế của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) giai đoạn 2022–2025. Nguồn: Cao Phong tổng hợp từ BCTC của CTCP Chứng khoán Rồng Việt.
Rồng Việt cho biết tác động từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ đã gây ra những ảnh hưởng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản thị trường bình quân phiên trong quý II là 24.377 tỷ đồng, giảm 3,7% so với mức bình quân của cùng kỳ.
"Công ty vẫn có được lợi nhuận ở hầu hết các mảng kinh doanh chính, nhưng các tác động bất lợi của thị trường đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu, chủ yếu là trong hoạt động đầu tư và kinh doanh môi giới", theo văn bản giải trình.
Cụ thể, doanh thu từ hoạt động đầu tư giảm 81%, doanh thu từ hoạt động kinh doanh môi giới chứng khoán niêm yết giảm 23%, doanh thu từ hoạt động cho vay giảm nhẹ 2%, doanh thu các hoạt động khác giảm gần 18%.
Rồng Việt cũng tạm thời ghi nhận hơn 26 tỷ đồng vào chi phí do đánh giá giảm danh mục đầu tư. Các khoản chi phí quản lý và chi phí hoạt động khác theo doanh nghiệp là phù hợp với doanh thu và tiến độ kế hoạch năm.
Danh mục tự doanh giảm
Tính đến ngày 30/6, tổng giá trị danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của Rồng Việt đạt 1.062,7 tỷ đồng. Trong đó cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn với 1.022,1 tỷ đồng, tương đương 96,2% tổng danh mục; phần còn lại là cổ phiếu chưa niêm yết.
So với cuối quý I/2025, tổng giá trị danh mục FVTPL của Rồng Việt đã giảm 453 tỷ đồng, tương đương giảm 29,9% so với mức 1.515,5 tỷ đồng tại ngày 31/3 (theo giá trị đánh giá lại).
Một số mã cổ phiếu có biến động đáng kể về giá trị thị trường, như KBC giảm 43,3 tỷ đồng và QNS giảm 24,8 tỷ đồng. Đồng thời, hai mã DDV và VGT không còn xuất hiện trong danh mục FVTPL tại thời điểm ngày 30/6/2025.
Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quý II cũng ghi nhận sự xuất hiện của một số mã cổ phiếu mới được bổ sung vào danh mục FVTPL, bao gồm: ACB với giá trị thị trường 115,7 tỷ đồng, MWG đạt 91 tỷ đồng và HSG cũng đạt 91 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, tổng giá trị danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) của Rồng Việt đạt 304 tỷ đồng theo giá trị thị trường, bao gồm 256 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và 47 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết.
Trong nhóm cổ phiếu niêm yết, CMG ghi nhận giá trị thị trường 98 tỷ đồng, KDH 118 tỷ đồng và KBC là 40 tỷ đồng. Cổ phiếu chưa niêm yết được liệt kê là QNS với giá trị 47 tỷ đồng. So với giá mua gốc, danh mục AFS ghi nhận chênh lệch tăng 19 tỷ đồng và chênh lệch giảm 7 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II/2025, dư nợ cho vay ký quỹ của công ty đạt khoảng 2.756 tỷ đồng, giảm 274,8 tỷ đồng (tương đương 9,1%) so với mức 3.030 tỷ đồng ghi nhận vào cuối quý I/2025. Tỷ lệ dư nợ ký quỹ trên vốn chủ sở hữu theo đó cũng giảm từ 106,5% xuống còn 105,1%.

Dư nợ cho vay ký quỹ và tỷ lệ/VCSH của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã: VDS) giai đoạn 2022–2025. Nguồn: Cao Phong tổng hợp và tính toán từ BCTC các quý của CTCP Chứng khoán Rồng Việt.