Ngay sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, phóng viên đã có mặt tại một xóm trọ công nhân nghèo tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Khi được biết về khoản hỗ trợ này, hầu hết các công nhân đều tỏ ra vui mừng và từng ngày mong chờ khoản hỗ trợ.
Một góc xóm trọ công nhân bên cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) - nơi chị Huyền và gia đình anh Thuận tạm trú. Ảnh: Mỹ Duyên
Chị Nguyễn Thị Huyền (42 tuổi, quê Thái Nguyên) đã làm công nhân tại KCN Thăng Long (Hà Nội) hơn 15 năm nay.
Chừng ấy năm xa quê cũng là khoảng thời gian chị Huyền một mình mưu sinh nơi đất khách quê người, kiếm tiền nuôi 3 đứa con và người chồng đã mất sức lao động.
Chị Huyền tâm sự: "Lương của tôi mỗi tháng được hơn 10 triệu đồng. Tôi dành 5,5 triệu gửi về quê để chồng chăm lo cho các con. Tiền ăn của tôi mỗi tháng hết khoảng 2 triệu đồng, tiền nhà trọ hết 1 triệu đồng. Số tiền còn lại tôi trang trải các khoản chi phí xăng xe, điện, nước…và những loại phí phát sinh khác. Tôi cố gắng chi tiêu tằn tiện nhất có thể để mong có thêm tiền gửi về cho chồng nuôi con".
"Tôi vừa bị mắc COVID-19, lại thêm xăng, gas, dầu ăn, nước mắm, rau, thịt… đều tăng giá nên hai tháng vừa rồi tôi chỉ gửi về quê được 4,5 triệu/tháng. Nếu bây giờ được nhà nước hỗ trợ thêm tiền thuê trọ, chắc chắn bữa ăn của các con tôi lại có thêm thịt", chị Huyền chia sẻ.
Hơn 15 năm nay, chị Nguyễn Thị Huyền một mình tần tảo mưu sinh nơi đất khách quê người, kiếm tiền nuôi 3 đứa con và người chồng đã mất sức lao động. Ảnh: Mỹ Duyên.
Cạnh phòng trọ của chị Huyền là căn phòng trọ của gia đình anh Thuận (31 tuổi, quê Yên Thành, Nghệ An). Anh Thuận đang sống cùng vợ và hai con nhỏ.
Anh Thuận chia sẻ: "Trước đây, lương công nhân của hai vợ chồng tôi mỗi tháng được khoảng 17 triệu đồng. Trong đó, mỗi tháng tiền ăn hết khoảng 5 triệu đồng, thuê trọ và điện nước hết khoảng 2 triệu đồng, tiền học và tiền mua sữa cho con hết khoảng 5 triệu đồng, tiền gửi về quê biếu ông bà 2 triệu đồng. Số tiền còn lại chúng tôi dành dụm phòng lúc ốm đau, bệnh tật. Thế mà chỉ một trận ốm vì COVID-19 mà cả chúng tôi đã cạn kiệt cả số tiền để dành bấy lâu nay".
"Vừa qua, tôi có nghe mọi người truyền tai nhau về chính sách hỗ trợ tiền trọ cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Mặc dù số tiền hỗ trợ chỉ từ 500.000 - 1.000.000 đồng/người/tháng là không nhiều nhưng đây là khoản tiền có thể hỗ trợ phần nào các loại chi phí sinh hoạt cho cả gia đình", anh Thuận phấn khởi.
Cạnh phòng trọ của chị Huyền là căn phòng trọ của gia đình anh Thuận (31 tuổi, quê Yên Thành, Nghệ An). Anh Thuận đang sống cùng vợ và hai con nhỏ. Ảh: Mỹ Duyên
Là công nhân có hơn 20 năm làm việc trong nhà máy dệt may tại khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Phan Liên (44 tuổi, quê ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) tỏ vẻ phấn khởi khi biết tin có gói hỗ trợ tiền trọ dành cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.
Chị Phan Liên chia sẻ: "Tôi thuộc diện hoàn cảnh khó khăn trong khu xưởng. Một mình vất vả nuôi con, năm nay con gái lớn đã lên đại học, để có tiền trang trải cho con học hành, tôi thường xuyên phải tăng ca mới có thêm tiền chi trả các loại phí sinh hoạt".
Sau một ngày lao động vất vả, chị Liên lại tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều. Ảnh: Mỹ Duyên
Trong bối cảnh các mặt hàng đều nương theo giá xăng dầu, chị Liên cùng cô con gái lớn phải thuê phòng trọ diện tích dưới 10m2 ở ngay gần công ty với giá 1 triệu đồng để đỡ phần nào chi phí xăng xe đi lại.
"Ngoài khoản đóng tiền trọ, tiền điện nước, ăn uống hằng tháng thì tôi còn phải chi thêm từ 400.000 - 800.000 đồng cho các khoản phát sinh khác như tiền thăm hỏi, tiệc tùng. Nếu được nhận khoản hỗ trợ, chắc chắn mẹ con tôi sẽ bớt được một phần chi phí sinh hoạt", chị Liên cho hay.
Anh Đình Hùng (23 tuổi, quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng tương tự. Vì là công nhân làm việc tại nhà máy điện tử ở Bắc Ninh nên để tiết kiệm chi phí, anh Hùng lựa chọn ở chung phòng với đồng nghiệp tại dãy trọ cũ ở xã Vân Dương (TP Bắc Ninh).
Góc nấu ăn tập thể tuềnh toàng nơi xóm trọ công nhân nghèo tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nộ. Ảnh: Mỹ Duyên
Chia sẻ với phóng viên, anh Hùng cho biết: "Sau thời gian dài về quê tránh dịch, tôi vừa quay lại công ty cũ xin làm. Tuy nhiên, mới đi làm được 1 tuần thì tôi mắc COVID-19 phải ở nhà tự cách ly và điều trị. Trong thời gian nghỉ dịch ở nhà, tôi được công ty hỗ trợ 100.000 đồng/ngày cho đối tượng là F0. Với số tiền này cộng thêm tiền tôi tích góp từ trước đó thì mới đủ để chi trả tiền thuốc thang, ăn uống trong những ngày chống chọi với virus SARS-CoV-2".
"Tuy nhiên, do công việc còn chưa ổn định, tiền lương bấp bênh nên chủ nhà trọ cũng thương, cho khất tiền trọ 2 tháng nộp một lần. Còn tiền điện thì tính theo 3.500 đồng/số, tiền nước 80.000 đồng/người. Đó là chưa tính đến tiền ăn uống, đi lại...nếu nhẩm tính số tiền chi tiêu trong một tháng chắc phải gấp đôi tiền lương cơ bản", anh Hùng cho hay.
Đối với anh Hùng, số tiền lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng là chưa đủ để chi tiêu nên anh Hùng cũng mong muốn có thêm được đồng nào hay đồng đó. Song, vì là người làm việc tại công xưởng, thời gian làm việc chủ yếu là trong ngày nên anh Hùng mong muốn thủ tục không quá rườm rà để công nhân sớm nhận được các khoản hỗ trợ từ nhà nước.
Trước đó, ngày 28/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, trong thời gian tối đa 3 tháng, bằng phương thức chi trả hằng tháng nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau: 1. Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022. 2. Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4/2022. 3. Đang tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng nếu có đủ các điều kiện: 1. Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 - 30/6/2022. 2. Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022, trừ hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó. 3. Đang tham gia BHXH bắt buộc (có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc của cơ quan BHXH) tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. |