Việc nhịn ăn không còn xa lạ, từ lý do tôn giáo đến giảm cân hay cải thiện sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, quá trình cơ thể phản ứng khi không tiếp nhận dinh dưỡng kéo dài trên 24 giờ vẫn là đề tài nhiều tranh cãi. Một video của kênh YouTube Wellness Wise công bố ngày 6/5 mô tả những giai đoạn thay đổi bên trong cơ thể con người trong suốt 36 giờ nhịn ăn, đang lan truyền rộng rãi.
Video thu hút hơn 8 triệu lượt xem trên Youtube và được lan truyền rộng rãi. Video: Wellness Wise
Sau 4 giờ: Hệ tiêu hóa tạm ngưng hoạt động. Cơ thể bước vào "giai đoạn dị hóa", bắt đầu phân giải năng lượng dự trữ.
Sau 8 giờ: Lượng đường trong máu hạ thấp. Cơ thể huy động glycogen từ gan và cơ để cung cấp năng lượng thay vì lấy từ thực phẩm mới nạp vào.
Sau 12 giờ: Glucose gần như cạn kiệt, gan chuyển sang phân giải mỡ thành ketone, nguồn nhiên liệu thay thế, giúp thúc đẩy giảm cân.
Sau 16 giờ: Xuất hiện hiện tượng "tự thực" (autophagy), khi các tế bào loại bỏ phần tử lỗi, tái tạo cấu trúc. Quá trình này nếu bị gián đoạn có thể gây rối loạn phát triển tế bào.
Sau 24 giờ: Cơ thể chuyển hoàn toàn sang chế độ đốt mỡ, giảm viêm, kích thích nhạy insulin và kích hoạt các quá trình tái tạo mô.
Sau 30 giờ: Hormone tăng trưởng tăng vọt, giúp bảo vệ cơ, đẩy mạnh phân giải mỡ. Đây cũng được cho là thời điểm bắt đầu của "quá trình chữa lành sâu".
Sau 36 giờ: Tự thực đạt mức tối đa. Các mô tổn thương bắt đầu được thay thế, tốc độ trao đổi chất tăng và các dấu hiệu hồi phục lan tỏa toàn hệ thống.
Mặc dù video thu hút hàng triệu lượt xem, giới khoa học vẫn giữ thái độ thận trọng. Giáo sư James Betts (Đại học Bath, Anh) nhận định nhiều lợi ích được truyền thông hóa từ chế độ ăn gián đoạn nhưng chưa đủ dữ liệu trên người để khẳng định tác động dài hạn. Một số nghiên cứu còn chỉ ra nguy cơ gia tăng sỏi mật ở những người thường xuyên nhịn ăn trên 16-18 giờ mỗi ngày. Các tác dụng phụ thường gặp gồm đói dữ dội, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, tâm trạng dễ cáu kỉnh.
Trái lại, một số nhà khoa học khác như Mark Mattson (Đại học Johns Hopkins) cho rằng, nhịn ăn gián đoạn có thể giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, thoái hóa thần kinh, thậm chí ung thư. Ông nhấn mạnh việc nhịn ăn được một bộ phận cộng đồng y học công nhận như phương pháp sinh học tích cực nhưng hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào thể trạng từng người. Nếu có bệnh nền như rối loạn chuyển hóa, huyết áp, dạ dày hay đang mang thai, bạn không nên áp dụng chế độ nhịn ăn kéo dài.
Phạm Linh (Theo Wellness Wise )