Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 23/27 mã giảm giá, Dragon Capital mua vào 4 triệu cp ACB

Hầu hết cổ phiếu ngân hàng giảm giá

Tuần qua (20 - 24/2), thị trường chứng khoán diễn biến không mấy khả quan khi có tới 4/5 phiên giảm điểm, VN-Index kết tuần tại mốc 1039,56 điểm, thấp hơn 20 điểm so với một tuần trước đó. Nhóm cổ phiếu ngân hàng không nằm ngoài xu hướng chung khi có tới 23/27 mã giảm giá trong tuần.

Cụ thể, cổ phiếu NVB của Ngân hàng NCB giảm mạnh nhất tuần qua với mức -7,2%, kết tuần còn 18.000 đồng/cp. So với mức đỉnh lịch sử tháng 4 năm ngoái, giá cổ phiếu NVB hiện đã mất hơn một nửa.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá còn có sự góp mặt của các ngân hàng có vốn hóa lớn như CTG, HDB, BID, ... với mức giảm từ 2- 5%.

Ở chiều ngược lại, VBB tăng tốt nhất tuần qua với mức 5,9%. Trong đó, riêng phiên giao dịch ngày 23/2, cổ phiếu này đã bất ngờ tăng vọt gần 11%, nay kết tuần tại mức giá 11.200 đồng/cp. Cổ phiếu BAB của Bac A Bank xếp sau đó với mức 3,8% sau 5 ngày giao dịch giằng co. "Ông lớn" VCB tăng nhẹ 0,5%.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đi ngang trong tuần qua khi có 615 triệu cp được giao dịch, nhỉnh hơn 15 triệu đơn vị so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch tương ứng đạt 12.380 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở tuần này, thanh khoản của STB đã giảm 22% xuống còn 78,2 triệu đơn vị; qua đó, nhường ngôi quán quân tuần này cho VPB với hơn 105 triệu đơn vị. Song, xét về giá trị giao dịch, STB vẫn đứng đầu với mức 1.955 tỷ đồng, trong khi của VPB là 1.866 tỷ đồng. SHB dù đứng thứ 3 về khối lượng giao dịch, nhưng giá trị giao dịch chỉ ở mức 783 tỷ đồng, thấp hơn TCB và MBB.

Tuần này, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung bán ròng, song chủ yếu đối với các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản. Đối với nhóm ngân hàng, khối ngoại bán ròng 66 tỷ đồng CTG, 50 tỷ đồng EIB, 36 tỷ đồng VCB.

Ở một diễn biến khác, nhóm tự doanh mua ròng ACB, VIB mỗi mã xấp xỉ 11 tỷ đồng, trong khi bán ròng 11 tỷ MBB và 9 tỷ CTG.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp). 

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

Nhóm các ngân hàng quốc doanh đồng loạt tung ra các gói cho vay ưu đãi với mức giảm lãi suất lên đến 3%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 7%/năm. 

VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200, tăng 15,3% so với năm 2022. Tổng tài sản và dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.
 
Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 4 triệu cổ phiếu ACB thông qua các quỹ thành viên, nâng tổng số cổ phiếu nắm giữ lên 272,3 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu tại ACB là 8,06%.

SeABank vừa hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên gần 20.403 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho CBNV theo Chương trình ESOP năm 2022. 

Agribank đã hoàn thành chuyển nhượng toàn bộ hơn 4 triệu cổ phần tại CMC với giá chuyển nhượng bình quân là 60.616 đồng/cp, ước tính thu về 244 tỷ đồng.

Các chuyên gia VnDirect cho biết tính cả năm 2022, FE Credit ghi nhận khoản lỗ trước thuế 3.000 tỷ đồng.  Tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 13,6% vào cuối 2021 lên 20,4% vào cuối 2022. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm