Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: 23/27 mã giảm giá, CTG và HDB tiếp tục được khối ngoại mua ròng

Cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm

Sau 2 tuần trước đó liên tiếp tăng giá, trong tuần qua (30/5 - 3/6), sắc đỏ quay trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng với 23/27 mã giảm giá và 4 mã tăng giá.

Trong đó, PGB là mã giảm mạnh nhất (-8,1%), kết tuần tại mức 21.800 đồng/cp. EIB với 4/5 phiên giảm đã xuống còn 31.500 đồng/cp, thấp hơn 7,6% so với đầu tuần. Ở tuần trước đó, EIB lại là mã tăng mạnh nhất toàn ngành.

Áp lực điều chỉnh cũng xuất hiện tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn như STB, OCB, SHB, TCB với mức giảm từ 2 - 5%. Nhóm ngân hàng quốc doanh chỉ có BID giảm giá (-2,7%), trong khi đó CTG và VCB đều kết tuần trong sắc xanh.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân tăng mạnh nhất toàn ngành với mức 8,8%. Riêng trong phiên 31/5, cổ phiếu này đã tăng vọt gần 9%, khối lượng khớp lệnh đạt 193.500 đơn vị, gấp nhiều lần các phiên trước đó.

Ngân hàng Quốc dân mới đây đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, đặt mục tiêu lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại là 608 tỷ đồng.

 

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục có xu hướng đi xuống. Cụ thể, tuần qua hơn 463 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, giảm 5% so với tuần trước. Song, giá trị giao dịch vẫn duy trì được ở mức 11.726 tỷ đồng, không thấp hơn đáng kể so với tuần trước.

Trong tuần này, cổ phiếu SHB đã thay thế vị trí của STB, trở thành mã có thanh khoản cao nhất với hơn 81 triệu đơn vị. STB đứng kế liền sau đó với 74 triệu đơn vị. Ngoài ra, chỉ còn VPB có khối lượng giao dịch đạt trên 50 triệu cp trong tuần. Các mã khác như HDB, TCB, MBB, TPB, LPB dao động quanh mức 20 - 40 triệu đơn vị.

Xét về giá trị giao dịch, STB vẫn dẫn đầu với 1.651 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức 1.649 tỷ đồng của VPB. Ngoài ra, chỉ có 3 mã là TCB, SHB và HDB đạt giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng trong tuần qua.

2 mã HDB và CTG vẫn tiếp tục thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài khi được mua ròng lần lượt là 121 và 132 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có TPB được khối ngoại mua ròng 53 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chỉ có LPB bị bán ròng 49 tỷ đồng, các mã ngân hàng khác khối lượng bán ròng không đáng kể.

 

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Nhiều lãnh đạo VIB mua vào hàng trăm nghìn cổ phiếu thưởng ESOP. Các giao dịch được thực hiện vào ngày 30/5/2022. 

Vietcombank được  Tổ chức xếp hạng quốc tế S&P Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm từ mức “BB-” lên mức “BB”. Đây là mức xếp hạng cao nhất và duy nhất trong các ngân hàng Việt Nam. 

Sau khi nhiều ngân hàng tư nhân phát đi tín hiệu tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, BIDV là ngân hàng quốc doanh đầu tiên cho biết sẽ nâng lãi suất ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thêm 0,1 điểm % từ đầu tháng 6. 

Hàng loạt tài sản gồm nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, biệt thự, xe ô tô,... của CTCP Luyện cán thép Sóc Sơn đang được BIDV thẩm định giá để xử lý nợ, tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. 

NHNN chấp thuận OCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 58,8 tỷ đồng. Trong đó tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và 8,8 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng Aozora, Nhật Bản).

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng thương mại cổ phần.

Các tin khác

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điện thoại lớn thứ 2 thế giới

Năm 2014, Việt Nam chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà khi các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được linh kiện điện tử phục vụ sản xuất điện thoại do Tập đoàn Samsung đưa ra. Qua thời gian, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng, trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong ngành hàng công nghệ.

Hành trình chuyển đổi của PNJ: Từ phong cách quản trị "kiểu gia đình" tới quyết tâm khai phóng nội năng và xây vườn ươm doanh nghiệp

Trong hành trình 35 năm từ một công ty kim hoàn thuộc nhà nước để trở thành một trong ba nhà bán lẻ trang sức hàng đầu Châu Á, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trải qua quá trình “rung lắc mạnh” khi quyết tâm thiết kế lại hệ điều hành của một nhà sản xuất để hướng tới phục vụ trải nghiệm và mong đợi của khách hàng.