Trên hành trình đó, công nghệ tài chính (Fintech) được xác định là một trụ cột quan trọng, không chỉ bởi vai trò thúc đẩy tài chính toàn diện, mà còn bởi đây là lĩnh vực hội tụ cao của đổi mới sáng tạo - yếu tố mà Việt Nam đang chú trọng đầu tư trong thời kỳ chuyển đổi số quốc gia.
Hàng loạt chính sách nhằm phát triển hạ tầng số, xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, và đặc biệt là tạo điều kiện cho Fintech bứt phá đã được thông qua. Việc lựa chọn TPHCM và Đà Nẵng là hai trung tâm đồng hành trong chiến lược phát triển TTTCQT phản ánh cách tiếp cận linh hoạt và toàn diện của Việt Nam - kết hợp giữa thế mạnh kinh tế truyền thống và động lực công nghệ hiện đại.

Fintech tại Việt Nam đang có cơ hội lớn để bứt phá, khi nhu cầu về dịch vụ tài chính số ngày càng gia tăng.
Tại TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - chính quyền thành phố đang triển khai hàng loạt chương trình nhằm thúc đẩy Fintech như một động lực đổi mới quan trọng, trong đó có triển khai cơ chế "sandbox" (mô hình thử nghiệm có kiểm soát cho các sáng kiến Fintech) giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính có không gian để phát triển sản phẩm mới, thử nghiệm dịch vụ sáng tạo mà không bị ràng buộc bởi khung pháp lý truyền thống. Bên cạnh đó, các đề xuất như xây dựng cộng đồng startup Fintech, thành lập mô hình "ngôi nhà chung", và phát triển chương trình hỗ trợ kinh doanh cũng cho thấy tầm nhìn hướng đến một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, nơi Fintech trở thành trung tâm kết nối giữa công nghệ, tài chính và người tiêu dùng.
Trong khi đó, Đà Nẵng - với định hướng trở thành thành phố đổi mới sáng tạo của miền Trung - lại được xác định là "phòng thí nghiệm mở" cho Fintech Việt Nam. Tại hội thảo "Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam" diễn ra ngày 16/1, nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh vai trò của Đà Nẵng trong việc thử nghiệm các công nghệ tài chính tiên tiến như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), và thanh toán số. Đây không chỉ là một chiến lược phát triển Fintech đơn thuần, mà còn là một phần trong chiến lược lớn hơn - đưa công nghệ vào trọng tâm phát triển kinh tế địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho việc chuyển mình lên một nền kinh tế tri thức, sáng tạo.
Liên kết chặt chẽ giữa Fintech và định hướng đổi mới sáng tạo cũng thể hiện rõ ở cấp độ quốc gia. Trong Chiến lược phát triển Kinh tế số đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ lõi như AI, dữ liệu lớn (Big Data), và blockchain - những yếu tố nền tảng cho sự phát triển của Fintech. Cùng với đó, các chương trình như "Make in Vietnam", đầu tư vào các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), và chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp công nghệ cao đã tạo động lực mạnh mẽ cho lĩnh vực Fintech phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Hiện tại, thị trường Fintech Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến năm 2024, Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động, bao phủ các lĩnh vực như thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng (P2P lending), bảo hiểm số và blockchain. Những cái tên nổi bật như MoMo, ZaloPay, hay Viettel Money... là những đại diện điển hình của doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái tài chính số hiện đại và sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp này cũng là minh chứng cho tiềm năng của các doanh nghiệp nội địa trong việc dẫn dắt thị trường cũng như hỗ trợ quá trình hình thành TTTCQT tại Việt Nam.
Trong đó Viettel Money là ví dụ điển hình cho chiến lược phổ cập tài chính gắn liền với công nghệ, khi cung cấp hơn 350 tiện ích tài chính thiết yếu như vay tiêu dùng, tiết kiệm, tích lũy, đầu tư và bảo hiểm số. Hệ sinh thái tài chính số Viettel Money không chỉ đáp ứng nhu cầu giao dịch hằng ngày, mà còn góp phần mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm tài chính chính thống một cách an toàn và minh bạch cho người dân, nhất là các sản phẩm vay - vốn đóng vai trò như "phao cứu sinh" tài chính trong những thời điểm cấp thiết, góp phần thu hẹp khoảng cách tiếp cận tài chính giữa thành thị và nông thôn.

Với hơn 350 tiện ích tài chính, Viettel Money đã mang lại những giải pháp thanh toán và quản lý tài chính tiện lợi, đặc biệt cho người dân ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Tuy nhiên, để Fintech thực sự đóng vai trò trụ cột trong chiến lược xây dựng TTTCQT, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực quản lý công nghệ và tạo lập một hệ sinh thái đổi mới cởi mở. Sự kết hợp giữa các chính sách phát triển công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và định hướng xây dựng trung tâm tài chính mang tầm quốc tế chính là điểm giao thoa của tầm nhìn chiến lược và hành động cụ thể.
Thực tế cho thấy, không quốc gia nào có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế mà thiếu vắng các doanh nghiệp sở hữu công nghệ tài chính mạnh mẽ. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội hiếm có, đó là tận dụng Fintech như một đòn bẩy đổi mới sáng tạo để đưa nền tài chính quốc gia vươn tầm khu vực. Khi công nghệ và sáng tạo trở thành nền tảng phát triển, và khi TPHCM cùng Đà Nẵng hội tụ đầy đủ yếu tố về con người, hạ tầng và chính sách, giấc mơ về một trung tâm tài chính quốc tế "Made in Vietnam" không còn là viễn cảnh xa vời, mà đang từng bước trở thành hiện thực.