Hành động sờ đụng nhau của voi không chỉ đơn thuần như ta thấy, nó có ý nghĩa rất lớn giúp loài voi gắn bó hơn, hành động này cũng như là lời chào hỏi. Nếu có voi mới muốn nhập, hành động chào hỏi này là bước đầu tiên.
Tình bạn tri kỉ
Trong khu rừng ngập tràn ánh nắng, một cặp voi lững thững đi lại, vươn vòi ăn loài cây chúng thích. Anh Y Mức Kđoh cho biết, đây là đôi bạn thân Y Khun (SN 1956) và Bun Khăm (SN 1965). Anh là quản tượng chăm sóc voi Y Khun.
Voi Y Khun và Bun Khăm là đôi bạn thân. Tính cách khá ngược nhau nhưng 2 cô vẫn sống hòa thuận. Y Khun ngang ngạnh, bướng bỉnh, khó tính trong ăn uống, ăn sạch, uống sạch, đi lại sạch. Cô không uống ở vũng nước đọng hay suối nhỏ, chỉ uống nước từ sông, suối lớn.
![]() |
Voi Y Khun và Bun Khăm thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho nhau |
Theo anh Y Mức, từ khi Y Khun trở thành một phần của Vườn quốc gia Yok Đôn, cô đã giúp giải cứu những voi hoang dã bị mắc bẫy và cần được chăm sóc thú y. Cách đây hơn 20 năm, Y Khun có công lớn trong chiến dịch di dời voi rừng Tánh Linh.
Anh Y Mức kể, từ năm 12 tuổi, anh theo bố dắt Y Khun vào rừng cho ăn. Trước đây, trong nhà, việc nặng nhờ Y Khun làm, voi thay phương tiện vận chuyển nông sản từ rẫy về. Y Khun khó tính từ nhỏ. Trước đây, chỉ có bố anh mới gần gũi và thân thiết được với cô. Một lần bố ốm, nhờ ông bác mang thức ăn đến, khi nhìn thấy, Y Khun hung dữ đuổi đi.
Năm 2008 khi kiếm ăn trong rừng, Y Khun bị con nhái độc xịt nước tiểu vào mắt phải và bị mù một mắt từ đó. Bây giờ chỉ có anh mới tiếp cận được. Trong vườn, Y Khun chỉ chơi được với mỗi Bun Khăm, ít hơn cô 9 tuổi. Nếu gặp chuyện bất ngờ Y Khun chỉ cần kêu lên là ngay lập tức Bun Khăm chạy đến.
![]() |
Cá thể voi khoái chí nghịch nước |
Dưới hồ nước nhỏ, voi Bun Khăm khoái chí nghịch nước bắn tung tóe. Anh Y Khang Niê Kđăm, người chăm sóc voi Bun Khăm chia sẻ, Bun Khăm (nghĩa là cô gái vàng) rất dễ tính. Cô khá ham ăn, khi có đồ ăn ngon, cô thường cố gắng lấy về cho mình càng nhiều càng tốt.
Bun Khăm là một trong những cô voi đầu tiên làm việc cho Vườn quốc gia Yok Đôn, trước đây cô là phụ tá đắc lực cho lực lượng kiểm lâm khi đi tuần rừng vì thời điểm đó điều kiện đi lại còn rất khó khăn, cô vừa vận chuyển đồ vừa mở đường giúp con người. Bun Khăm là một trong những cá thể voi đầu tiên tham gia mô hình tua du lịch thân thiện với voi.
Mỗi sáng sớm, anh Y Khang vào rừng cho voi ăn, đến 11 giờ trưa, anh tranh thủ về ăn cơm, đến 1 giờ chiều lại vào rừng. Mỗi ngày ở với voi, anh theo dõi sức khỏe, tập tính sinh hoạt, thói quen của Bun Khăm. Khi nhận thấy có biểu hiện khác lạ, anh ghi chép và báo cáo lại lãnh đạo vườn.
Hạnh phúc dưới tán rừng
Càng về chiều, không khí trong rừng se lạnh, khu rừng tươi mát như khúc giao mùa đầy sắc đỏ, vàng, xanh. Thời gian gần đây, dưới tán rừng khộp, có những cá thể voi vui vẻ, hạnh phúc tự do kiếm ăn, tìm cây thuốc.
Đôi bàn tay thô ráp của quản tượng Y Tim Rya vuốt ve thân cô voi Khăm Phanh (SN 1976). Yêu thích loài vật khổng lồ này, từ nhỏ Y Tim đi theo bác hàng xóm chăn thả voi vào rừng, tìm hiểu sở thích, tính cách của voi. Năm 18 tuổi, anh xin vào khu du lịch làm công việc chăm sóc voi. Anh cũng hiểu đặc tính của từng cá thể voi trong rừng.
Đứng cách khoảng 50m, chúng tôi ngắm nhìn từng hành động của các cá thể voi, Khăm Phanh đưa chiếc vòi ngoe nguẩy trong không trung, thấy vậy anh Y Tim tiến đến nói rằng, mỗi lần nhìn thấy du khách, chúng sẽ cúi chào, vẫy đuôi, tai. Khăm Phanh dễ gần, dễ tính, dễ chịu với nài voi và chỉ khó tính vào “mùa voi yêu”.
Khăm Phanh vốn là một cô voi sống cô đơn tại xã Ea Rbin (huyện Lắk), sau khi được đưa về Trung tâm Bảo tồn voi, người bạn đầu tiên đón cô chính là H’Pló (SN 1975), 2 cô kết bạn với nhau chỉ sau vài giờ làm quen. H’Pló khá điềm tĩnh và ôn hòa, có phần hơi chậm chạp. Cô thích tắm, và thường xuyên tận hưởng thời gian bơi lội của mình. Cô là voi thuộc sở hữu cá nhân đầu tiên gia nhập vào mô hình du lịch thân thiện với voi.
Nghe giới thiệu về từng cá thể voi trong rừng, nhiều du khách đến từ Đà Nẵng khá ngạc nhiên. Họ nói rằng, dẫu biết rằng voi là loài vật thông minh, nhưng giờ hiểu sâu hơn vì sao voi là người bạn thân thiết, như một thành viên trong gia đình của người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
![]() |
Du khách trải nghiệm chụp hình với voi, voi ăn buffet |
Quay trở lại vuốt ve Khăm Phanh, anh Y Tim tiết lộ, như tên gọi “sợi dây vàng”, Khăm Phanh rất biết tận hưởng cuộc sống mới của mình. Cô có thể ngâm mình trong nước hàng giờ không biết chán, những lúc đó cô thường kêu lên đầy phấn khích.
Khăm Phanh là một cô voi cá tính, có phần hơi ma lanh. Thời gian đầu mới về Yok Đôn cô thường xuyên chạy đi tìm theo mùi của những bạn voi khác, đồng thời tranh thủ “ghé thăm” những ruộng rẫy hay vườn chuối trên đường đi.
Sau hơn 4 tháng Khăm Phanh và H’Pló gặp gỡ thì có H’Blú cùng tham gia. Nhiều năm về trước, khi còn làm việc chung tại khu du lịch Hồ Lắk, Khăm Phanh và H’Blú rất thân thiết.
H’Blú chăm sóc cho Khăm Phanh như em gái của mình, những buổi tối nóng nực, cô sử dụng cành cây để quạt cho Khăm Phanh được ngủ ngon. Vào một ngày Khăm Phanh thấy H’Blú dành thời gian cho H’Pló nhiều hơn mình, cô gây sự với H’Pló khiến H’Pló bỏ đi riêng, nhóm 3 cô giờ tách làm hai.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị đã tổ chức hội thảo “Câu chuyện của voi”. Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, mô hình du lịch thân thiện với voi là một hướng đi của tỉnh trong việc bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Sở đã chỉ đạo các đơn vị du lịch triển khai thay thế dần và chấm dứt mô hình du lịch cưỡi voi sau năm 2026. Đề nghị các đơn vị doanh nghiệp du lịch, các địa phương có voi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đồng loạt triển khai mô hình này. N.T
Tổng đàn voi nhà của cả tỉnh Đắk Lắk hiện nay còn 35 con. Huyện Buôn Đôn còn lại 21 con voi nhà. Đến nay, các đơn vị ở huyện Buôn Đôn đã hoàn toàn dừng việc cưỡi voi và chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Trong mô hình thân thiện, các doanh nghiệp, đơn vị đã kết hợp, đổi mới nhiều hoạt động gắn với sản phẩm dịch vụ tại đơn vị. Qua đó, cũng góp phần tạo điểm nhấn, sự riêng biệt so với các điểm du lịch ở các địa phương khác.