Lý giải cụ thể hơn về vấn đề này, PGS TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Singapore cho biết, Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nền tảng cho những tiến bộ kỳ diệu, cho mọi sáng kiến khác nhau, phong phú. Một đất nước phát triển bền vững phải là một đất nước đi theo tư duy chiến lược, tầm nhìn đột phá để có nền tảng tăng trưởng cốt yếu.
"Chọn đúng đi nhanh, chọn sai thì đi ngang hoặc đi xuống. Tư duy rất quan trọng đặc biệt nắm bắt động lực xanh là xu hướng toàn cầu", ông Khương nhấn mạnh.
Nếu không có những động lực đột phá Việt Nam sẽ không thể giữ mãi được tăng trưởng cao. Khi các động lực cũ kém phát huy hiệu quả, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Khó mà hy vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nếu không thực sự thay đổi, chuyên gia phân tích.
Đây cũng là chủ đề được bàn thảo tại “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam” diễn ra sáng 30/11.
Tại diễn đàn, PGS Vũ Minh Khương cho biết chuyển đổi xanh chính là một hướng đi đúng đắn mà Việt Nam cần đặc biệt chú trọng. Tăng trưởng xanh không chỉ nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 mà phải coi đây là cơ hội đặc biệt để Việt Nam thực hiện tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Hiện Việt Nam đã có nhận thực rất tốt về phát triển xanh, hệ thống chính trị cũng coi xanh hoá là một trong những động lực để tạo tăng trưởng. Tuy nhiên, từ cam kết đến thiết chế và thực hành vẫn đang có khoảng cách.
Nhìn sang một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, họ là nước đi đầu thế giới và họ coi năng lượng xanh là chiến lược. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và chúng ta cũng phải coi năng lượng xanh, sạch, chuyển dịch nền kinh tế là hàng đầu.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn ở điện gió, mặt trời, đơn cử như Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh phía Nam. Chúng ta đặt mục tiêu có 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và đã kêu gọi số vốn đầu tư hàng chục tỷ USD đầu tư vào đây.
"Vừa phát triển điện tái tạo, vừa xây dựng các trạm lưu trữ là điều kiện lý tưởng cho Việt Nam bởi trung tâm lưu trữ pin trên thế giới đang có mức giá rẻ đi trông thấy. Việc phát triển rộng khắp các cột điện gió ven biển, xa bờ, khi ấy chúng ta có cơ hội kiểm soát những vùng biển, thềm lục địa của mình, an ninh năng lượng sẽ kết hợp an ninh quốc gia, phát triển kinh tế biển", ông Khương nhấn mạnh.
Xây dựng khung pháp lý cho phát triển xanh
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho rằng việc phát triển bền vững cần lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt. Đây là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách.
Tại Việt Nam, chuyển dịch xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững.
Để cụ thể hóa chiến lược về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế còn rất nhiều điều Việt Nam cần phải làm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh cũng như thực hiện thực hoá cam kết tại COP26.
Ông Arnaud Ginolin, Tổng Giám đốc Boston Consulting Group (BCG) Việt Nam đề xuất Việt Nam cần thực hiện 5 giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống phân loại xanh phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, các tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống ngành kinh tế tại Việt Nam.
Thứ hai, ra mắt cơ chế ưu đãi, khuyến khích xanh. Cần nhanh chóng triển khai đợt đầu tiên với các ưu đãi liên ngành, được phê duyệt ở cấp bộ và mở rộng quy mô với những đợt ưu đãi cụ thể theo ngành.
Thứ ba, hỗ trợ dự án thí điểm xanh. Cần có cơ chế ưu đãi dành riêng cho các dự án thí điểm xanh trong các lĩnh vực trọng tâm, tạo môi trường hấp dẫn cho doanh nghiệp kiểm thử, học hỏi và mở rộng quy mô đầu tư.
Thứ tư, thúc đẩy tài chính xanh thông qua hỗ trợ phát triển và áp dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, thị trường carbon, tài chính hỗn hợp.
Thứ năm, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, triển khai truyền thông đa kênh với các chương trình toàn quốc và cấp tỉnh, thu hút sự tham gia của các bên liên quan ở cả khu vực công và tư nhân, trong nước và quốc tế.
PGS TS. Vũ Minh Khương thì cho rằng cả hệ thống chính trị cần tham gia để tạo ra một "cuộc đua chuyển đổi xanh". Các doanh nghiệp, đơn vị cần xác định mức phát thải của mình hiện là bao nhiêu và có những cam kết cụ thể về lộ trình cắt giảm mức phát thải ấy.
Chính phủ cũng cần có những công cụ ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển đổi xanh. Sau giai đoạn quá độ, Việt Nam có thể luật hoá một số quy định về phát triển xanh để thực hiện cam kết một cách mạnh mẽ.