Tài chính

Chuyên gia: Tỷ giá tăng chỉ là "cú giật" trong ngắn hạn, lo ngại dư địa dự trữ ngoại hối không còn nhiều

Tỷ giá tăng trong những ngày gần đây sau hơn nửa năm ổn định dấy lên nhiều lo ngại trong bối cảnh Viêt Nam đang đi ngược với chính sách tiền tệ của Fed.

Theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, tỷ giá tăng chỉ là vấn đề trong ngắn hạn, nguồn cung ngoại tệ tích cực sẽ giúp VND ổn định về cuối năm.  

 TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: DNVN).

"Trong 2 tuần gần đây, Chỉ số dollar (DXY) đo lường sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 loại tiền tệ gồm Euro, yen Nhật, bảng Anh, dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ tăng lên khoảng 3%, từ 100,1 lên 103,1.

Tỷ giá bật tăng ngoài nguyên nhân USD tăng giá, nguyên nhân sâu xa còn đến từ nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng", TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay. 

Chỉ số dollar (DXY) tăng khoảng 3% trong hai tuần gần đây. (Nguồn: TradingView).

 Diễn biến tỷ giá USD/VND thời gian gần đây. (Nguồn: WiChart).

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, không chỉ VND, các đồng tiền của các quốc gia khác đều chịu áp lực mất giá trước USD do đà tăng của DXY vẫn chưa thể dừng lại. Ông dự báo DXY vẫn mở rộng đà tăng lên 104.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh: Nhà đầu tư).

"Tỷ giá sẽ chịu áp lực tăng trong ngắn hạn, giá USD sắp tới có thể vượt lên 25.000 đồng. Nguyên nhân do mối lo ngại lạm phát tăng đang quay trở lại trong bối cảnh giá dầu, giá nông sản, giá phân bón,… tăng. Như vậy Fed đang có nhiều lý do hơn nữa để tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 sắp tới. Tâm lý nhà đầu tư đang phản ứng tích cực vào USD".

Đại diện Yuanta Việt Nam cũng bày tỏ một lo ngại nhỏ về dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện còn khoảng 88 tỷ USD, thấp so với mức đỉnh 110 tỷ USD.

"Khi không đủ dự trữ ngoại hối, Việt Nam sẽ không có công cụ để kiểm soát tỷ giá, khi đó phải dùng đến công cụ lãi suất, nguy cơ tăng lãi suất có thể xảy ra", ông Minh nói.       

Còn theo nhận định của ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, cú giật của tỷ giá chỉ mang tính cục bộ, không mang tính hệ thống. Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa cần can thiệp vào tỷ giá vì chưa cần thiết. Tuy nhiên vấn đề tỷ giá vẫn cần theo dõi kỹ từ nay đến cuối năm.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm