1. Kỹ thuật số
Theo James Wey, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản tại Singapore và Đông Nam Á của JP Morgan Chase: "Bất động sản kỹ thuật số sẽ trở nên quan trọng như bất động sản vật lý trong thập kỷ tới. Ngày càng nhiều nhà phát triển xem xét các bất động sản được token hóa để thu hút dòng vốn mới".
Nhu cầu về tài sản NFT đang tăng lên giữa những người trẻ tuổi giàu có khi nhóm các đại gia công nghệ thuộc Big Tech tham gia mạnh mẽ vào vũ trụ ảo (metaverse).
Adrian Cheng Chi-kong, 42 tuổi, thế hệ thứ ba trong gia đình tài phiệt sở hữu New World Development, là một người tin tưởng vào tài sản số. Anh đã bổ sung hàng loạt bất động sản ảo vào danh mục đầu tư cá nhân trong tháng 12/2021 và rót vốn vào nền tảng The Sandbox, một phần của kỳ lân công nghệ block chain và trò chơi Animoca Brands có trụ sở tại Hồng Kông.
2. Tiền mã hóa
Một trong những nhân vật tiêu biểu là tỷ phú Mark Cuban. Ông là một doanh nhân và nhà đầu tư có tiếng tại Mỹ, được biết đến nhiều nhất thông qua chương trình Shark Tank, với khối tài sản ròng ước tính vào tháng 1 năm 2022 lên đến 4,5 tỷ USD. Đồng thời, Cuban còn là chủ sở hữu của đội bóng NBA Dallas Mavericks, tổ chức đã chấp nhận thanh toán bằng DOGE cho vé vào sân theo dõi các trận đấu.
Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 13 tháng 1 với diễn viên hài và cựu người dẫn chương trình Daily Show Jon Stewart, Mark Cuban đã tiết lộ khoản đầu tư của mình hiện tại phần lớn được phân bổ vào tiền mã hóa vì sự tiềm năng và lợi ích mà chúng có thể mang lại trong tương lai.
"Các khoản đầu tư mà tôi đang thực hiện bây giờ không phải là mảng kinh doanh truyền thống. 80% trong số đó đều xung quanh tiền mã hóa."
Hơn nữa, Cuban chia sẻ ông không quan tâm nhiều đến xu hướng giá tăng hoặc giảm của những đồng coin phổ biến hàng đầu như Bitcoin (BTC) hay Ethereum (ETH), mà tập trung giải thích về khía cạnh phần lớn doanh nghiệp mới nên đi theo mô hình của ngành tiền mã hóa, phi tập trung và không phụ thuộc vào bất kỳ ai cả. Đồng thời, ông cũng hết mực khen ngợi về DeFi và DAO.
"Tiền mã hóa thật khó hiểu và phức tạp, nhưng mười năm nữa, những ứng dụng này sẽ thành công, tạo ra nền kinh tế của riêng chúng, và cũng giống như những ngày huy hoàng của Internet hiện tại."
3. Đầu tư tài chính
Số lượng tỷ phú hoạt động trong lĩnh vực tài chính và đầu tư trong năm 2021 đã tăng 50% so với năm 2020 và gần gấp đôi so với hai năm trước. Trong đó phải kể đến những cái tên quen thuộc như Warren Buffett của Berkshire Hathaway, Carl Icahn và ông trùm về quỹ đầu tư Ray Dalio.
Ngoài ra, một số cái tên mới nổi như cặp song sinh nhà Winklevoss nhờ đặt cược vào tiền điện tử và Jeff Yass, nhà sáng lập công ty giao dịch Susquehanna International.
4. Bất động sản và danh mục chứng khoán đa dạng
Cynthia Meyer, nhà lập kế hoạch tài chính, nhận thấy một số khách hàng triệu phú đô la của cô đang áp dụng một cách tiếp cận khác.
Cô ấy chia sẻ rằng danh mục khách hàng giàu có điển hình gồm khoảng 35% - 60% khoản đầu tư của họ vào bất động sản. Bên cạnh đó, 40% - 50% số tiền còn lại vào tài khoản chứng khoán với danh mục đa dạng.
Meyer nói: "Những khách hàng triệu phú này cũng thường giữ 200.000 đến 300.000 đô la (4.6 - 6.8 tỷ đồng) dự trữ tiền mặt. Họ không có nợ, ngoại trừ các khoản thế chấp, và họ chi tiêu có kế hoạch."
Meyer nói thêm rằng những khách hàng này thường tiết kiệm và tái đầu tư 25% - 35% thu nhập ròng của họ vào tài khoản hưu trí hoặc đầu tư nhiều hơn vào bất động sản.