Xã hội

Chuyên gia Nguyễn Minh Cường: Chiến tranh thuế quan Mỹ - Trung leo thang, Việt Nam cần tránh lặp lại bước đi thời Trump-1

Tóm tắt:
  • Việt Nam đã tăng xuất khẩu và tạo thặng dư lớn với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump nhờ vào việc chuyển dịch khỏi Trung Quốc.
  • Tuy nhiên, thuế đối ứng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là cảnh báo về rủi ro cho Việt Nam.
  • Chính sách thuế quan của Mỹ có thể thay đổi nhanh chóng, yêu cầu Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược dài hạn.
  • Mặc dù Việt Nam chiếm 4% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, nhưng lại nằm trong top những nền kinh tế gây thâm hụt cao.
  • Các nhà đầu tư FDI đang chờ đợi để xác định chiến lược dài hạn, trong khi cải cách thể chế là rất cần thiết cho Việt Nam.

Chia sẻ tại Talkshow Bàn tròn chính sách: "Mỹ áp thuế: Các kịch bản & ứng phó hậu đàm phán" phát sóng ngày 11/4, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường cho biết, mặc dù bối cảnh hiện nay dường như có tương tự thời kỳ Trump 1 khi Mỹ tập trung vào chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Việt Nam có nên lặp lại những chính sách ở thời kỳ Trump 1 hay không lại là câu hỏi quan trọng.

Chính sách thuế đối ứng là "hồi chuông cảnh báo" Việt Nam bởi thặng dư thương mại luôn là vấn đề rất lớn mà Mỹ quan tâm và "bật đèn đỏ".

Ngày 9/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo hoãn thuế đối ứng 90 ngày và chỉ áp dụng mức thuế tối thiểu 10% với hơn 60 quốc gia, riêng Trung Quốc bị áp mức 125%.

Điều này cho thấy, cũng giống như nhiệm kỳ thứ nhất, dường như những chính sách của ông Trump chỉ tập trung vào Trung Quốc.

"Chúng ta chưa thể biết được mục tiêu của Mỹ trong chính sách thuế quan bởi ông Trump rất khó đoán định nhưng tin vui hoãn thuế cho thấy phần nào chính sách của Mỹ trong tương lai. Việc đánh thuế 125% gần như là lệnh cấm vận với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, điều này lại tạo cơ hội cho Việt Nam", ông Cường phân tích.

Tuy nhiên, Việt Nam có nên làm như thời kỳ Trump 1 hay không là câu hỏi được đặt ra lúc này. Ở nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump, Việt Nam đã hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc nên đã gia tăng xuất khẩu và tạo thặng dư rất lớn với Mỹ.

Thị trường Mỹ lớn nhưng rất rủi ro

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường. (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, dù có ông Trump hay bất kỳ tổng thổng nào khác thì khi Mỹ bị ảnh hưởng, họ sẽ luôn đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết.

Nhìn lại lịch sử, năm 1971, Mỹ bỏ bản vị vàng khi nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách. Trước đó, Mỹ đã dùng vàng để giữ giá trị đồng USD nhưng khi Mỹ không thể neo được USD thì nước này đã lập tức bỏ. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các đồng minh của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh như Đức, Pháp.

Lần thứ hai, khi Mỹ ép Đức và Nhật Bản ký Hiệp định Plaza năm 1985 bởi vì đồng USD lên giá và Đức, Nhật đã có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ. Lần thứ ba là lần này khi ông Trump gây cuộc chiến thuế quan.

Có thể thấy, kể cả khi không có ông Trump thì vào thời điểm cần thiết, Mỹ vẫn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Vì vậy, đây là thời điểm Việt Nam cần nhìn lại mọi việc bình tĩnh và tỉnh táo hơn.

Cần nhận thức rõ những thách thức khó khăn của nền kinh tế sẽ khiến Mỹ thay đổi chính sách một cách rất nhanh chóng. Vì vậy, Việt Nam cần tính toán đến việc “Mỹ là thị trường quan trọng nhưng không phải thị trường duy nhất” để có những chiến lược dài hạn hơn để tránh những rủi ro trong tương lai.

"Việt Nam dù chỉ chiếm 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ nhưng lại nằm trong top 5 nền kinh tế gây thâm hụt thương mại cao nhất nên luôn có những rủi ro từ thị trường này", ông Cường phân tích. 

Không chỉ nhìn vào Mỹ, FDI còn nhìn vào cải cách của Việt Nam

Phân tích về tác động khi Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam tới 46%, chuyên gia cho biết nếu thực sự xảy ra thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai và ảnh hưởng đến tổng thể cán cân thanh toán dẫn đến lạm phát, tỷ giá đều bị tác động.

Tuy nhiên, với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), họ thường nhìn về các xu hướng dài hạn hơn là những biến động trước mắt. Những động thái của ông Trump mang tính ngắn hạn và chúng ta chưa xác định được chiến lược dài hạn trong tương lai.

Chính vì vậy, FDI sẽ có tâm lý chờ đợi, trong thời gian này sẽ xảy ra chuyện dịch chuyển đơn hàng nhưng để dịch chuyển cả chuỗi sản xuất là không phải là chuyện một sớm một chiều.

"Các doanh nghiệp FDI cũng giống như Việt Nam, họ đang có tâm lý chờ đợi để xem xét các chiến lược dài hạn và những chính sách của ông Trump có lâu dài không hay chỉ là chiến thuật để đàm phán", chuyên gia Nguyễn Minh Cường nhận định.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những lợi thế hơn hẳn những nước khác trong thu hút FDI nên các nhà đầu tư chưa chắc đã chuyển dịch khỏi Việt Nam. Điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp FDI nhìn vào vẫn là việc cải cách thể chế. Ngoài thương mại, các thị trường còn lại như thị trường vốn, thị trường lao động, khoa học công nghệ vẫn mở cửa rất ít.

Chính điều này khiến chúng ta không phát huy được sức mạnh nội tại, doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển được như kỳ vọng và nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và khu vực FDI.

 

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Món ăn người Việt từ lâu lãng quên, luôn tránh né vì sợ bệnh: Thế giới xếp vào top 10 thực phẩm tốt nhất

Bảng xếp hạng 100 loại thực phẩm lành mạnh nhất thế giới, bất ngờ khi món quen bị lãng quên, nhiều người tránh ăn vì sợ béo, bệnh lại được vinh danh ở vị trí thứ 8. Bất ngờ hơn cả khi nó vượt mặt cả bông cải xanh, loại thực phẩm đang được xếp ở vị trí 94 theo BBC Anh công bố.

Diễn biến lạ giữa vàng SJC và vàng nhẫn

Sáng nay (12/4), giá vàng miếng SJC trên mốc 105 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng nhẫn từ 700.000 - 900.000 đồng/lượng. Trong hơn 1 tháng qua, giá vàng SJC duy trì mức thấp hơn hoặc bằng giá vàng nhẫn.