Cả thế giới đã chứng kiến giá dầu tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm ngoái, kéo theo giá cả của hàng loạt mặt hàng tăng giá đến chóng mặt.
Thế nhưng, kể từ cuối tháng 5, dầu Brent - loại dầu dùng để tinh chế dầu diesel, xăng và dầu nhiên liệu chưng cất - đã giảm từ hơn 120 USD/thùng xuống mức khoảng 109 USD, tức là thấp hơn khoảng 10%. Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) tương lai đã giảm hơn 9% trong cùng thời kỳ.
Theo Yergin, phó chủ tịch của S&P Global, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang muốn hạ nhiệt lạm phát ngay cả khi điều đó có nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và đó là "thứ đang tác động đến giá dầu."
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Jerome Powell nói với các nhà lập pháp rằng Fed quyết tâm giảm lạm phát, mặc dù ông cũng phải thừa nhận rằng có thể xảy ra một cuộc suy thoái. Ông nói rằng sẽ rất khó để có một "cú hạ cánh mềm" - tức thắt chặt chính sách tiền tệ mà không những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, như một cuộc suy thoái chẳng hạn.
Ông Yergin nói trên "Squawk Box Asia" của CNBC rằng việc Tổng thống Vladimir Putin mở rộng chiến dịch quân sự tại Ukraine tác động đến nhiều nền kinh tế ở châu Âu.
Nga đã hạn chế cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 và giảm dòng chảy đến Ý. Moscow đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Phần Lan, Ba Lan, Bulgaria, Đan Mạch, Hà Lan và Đức, tất cả đều do tranh chấp về việc thanh toán bằng đồng rúp.
Những hành động đó đã làm dấy lên lo ngại về một mùa đông khó khăn ở châu Âu. Các nhà chức trách trong khu vực hiện đang cố gắng lấp đầy các kho chứa dưới lòng đất bằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Câu hỏi về nhu cầu dầu của Trung Quốc
Khi được hỏi về triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, ông Yergin cho rằng hiện tại không thể chắc chắn về bất cứ điều gì.
Trung Quốc đã từ từ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, không rõ các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có thể phục hồi nhanh chóng như thế nào sau những biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế vì Covid-19.
Nhiều nhà kinh tế hiện dự đoán rằng Trung Quốc sẽ hồi phục một cách chậm rãi bởi sự xuất hiện của nhiều biến thể dễ lây lan hơn trong khi chính phủ nước này ít tung ra các biện pháp kích thích kinh tế hơn.
Mức độ phục hồi và mở cửa trở lại sẽ có tác động đến nhu cầu dầu, nhưng chính sự không chắc chắn đó đã "khiến giá dầu không tăng cao hơn," Yergin nói.
Nguồn cung sẽ phục hồi?
Đầu tháng này, OPEC đã đồng ý tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu. Con số này tăng so với kế hoạch ban đầu là thêm 432.000 thùng/ngày trong ba tháng cho đến tháng 9.
"Chúng tôi nghĩ rằng sau đó OPEC sẽ chuyển sang một cách tiếp cận tự do hơn và cho phép một số thành viên có năng lực dự phòng sản xuất nhiều hơn," Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, cho biết trong một lưu ý vào hôm thứ Năm. Ông đã bình luận về chính sách của OPEC sau khi tổ chức này kết thúc việc cắt giảm nguồn cung liên quan đến đại dịch vào tháng 9.
Điều đó có thể khiến giá dầu Brent giảm và trở lại mức khoảng 100 USD/thùng vào cuối năm, ông nói.
Nhưng thị trường không nên cho rằng nguồn cung sẽ phục hồi theo chính sách của OPEC .
Trong khi hạn ngạch sản xuất đối với các thành viên OPEC dần được nới lỏng, hầu hết các nước đều không thể đồng loạt tăng sản lượng nhanh chóng, Gardner nói.
"Hầu hết các thành viên khác không có khả năng tăng sản lượng trong thời gian ngắn. Chúng tôi nghĩ rằng một số thành viên, đặc biệt là Angola và Nigeria, có khả năng sẽ chứng kiến sản lượng thấp hơn trong những tháng tới, vì đã nhiều năm rồi họ không đầu tư khiến việc sản xuất tiếp tục bị ảnh hưởng," ông viết.
Tham khảo CNBC