Thời sự

Chuyên gia: Kinh tế thường đi lên vào cuối năm nhưng quý IV/2022 sẽ là một hiện tượng đặc biệt

Tại Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2022 tổ chức sáng 24/11, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá năm 2022 là một năm khá đặc biệt khi thị trường thay đổi đột ngột.

“Nửa đầu năm, kinh tế khá tốt, chúng ta chỉ lo ngại vấn đề lạm phát, đặc biệt giá xăng dầu tăng, nhưng đến cuối năm bộc lộ hàng loạt vấn đề. Tăng trưởng theo quý sẽ là một hiện tượng đặc biệt, khi kinh tế năm nay sẽ đi xuống vào quý cuối của năm, trong khi theo thông lệ, Việt Nam thường đi lên vào cuối năm, và lạm phát cũng tăng lên. Năm 2022 có một số điểm hơi giống tình hình xảy ra vào năm 2008”, TS. Vũ Đình Ánh nói.

 

Nói thêm về tình hình năm 2008, TS. Vũ Đình Ánh cho biết năm đó kinh tế nhiều khó khăn với lạm phát cao, kéo dài đến khoảng năm 2013. Theo ông, gốc khó khăn khi đó là từ khu vực Nhà nước. Giai đoạn đó chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, điểm đáng chú ý là năm 2007 tổng tín dụng tăng lên tới 53,4%. Với những vấn đề từ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, từ khu vực Nhà nước, Việt Nam trải qua giai đoạn vừa lạm phát cao vừa suy giảm kinh tế.

Bối cảnh hiện nay, rất ít người đề cập đến khu vực Nhà nước. Vấn đề lạm phát vẫn đang kiểm soát tốt, chưa nhìn thấy lạm phát xuất hiện.

Theo ông, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối diện hiện nay là câu chuyện thị trường, bán cho ai, đó là chưa bàn đến câu chuyện dài hạn liên quan đến nguồn vốn.

Dù vậy ông nhắc lại trạng thái kinh tế năm nay vẫn khá tốt, có thể tạo ra một giai đoạn mới về tăng trưởng sau khi xuống đáy năm 2021.

“Lúc nào chúng ta hào hứng đi lên thì thế giới lại đổ vào chúng ta một gáo nước lạnh. Năm 1995,1996, Việt Nam tăng trưởng 9,34% - 9,5%, đến 1997 khủng hoảng tài chính khu vực xuất hiện khiến chúng ta lao đao xuống đáy năm 1999.

Năm 2006 - 2007 đang tăng trưởng tốt thì đến 2008 xảy ra khủng hoảng toàn cầu, kinh tế lại lao đao năm 2009. Sau đó kinh tế đang đà đi lên thì lại bùng phát dịch COVID-19 vào 2020, 2021”, ông nói thêm.

 

Nói về chính sách tiền tệ, ông cho rằng có phần hơi đột ngột, “dù trước đó đã có một số dấu hiệu nhưng Việt Nam thắt chặt một cách rõ ràng sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng lãi suất điều hành hôm 22/9 và tiếp đó là 23/10”.

Để vừa tăng trưởng và vừa kiểm soát được lạm phát, vị chuyên gia khuyến nghị sử dụng chính sách tài khóa nới lỏng, trong đó đặc biệt lưu ý đến giảm thuế suất thuế GTGT. Ngoài ra cần tăng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN). Ông cũng thông tin dự toán chi NSNN năm 2023 cho thấy chi đầu tư sẽ tăng từ dưới 30% lên 35% trong tổng chi ngân sách.

Một điểm nữa là cần có những thông điệp rõ ràng về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. “Định hướng chính sách cần rõ rệ hơn, thể hiện trong thực tế điều hành, như vậy nền kinh tế mới kỳ vọng vượt qua tác động rất rất sớm của kinh tế thế giới đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, thị trường vốn thế giới”, ông nhấn mạnh.

Nói thêm về vấn đề trên thị trường vốn, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng việc phát hành trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp hiện nay có điểm giống với phát hành trái phiếu công trình giai đoạn trước, khi chúng ta yêu cầu các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải sử dụng đúng mục đích vốn huy động.

Tuy nhiên, theo ông, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ tài chính. Việc doanh nghiệp đi vay và sử dụng vốn vay đó như thế nào là việc của doanh nghiệp.

“Vấn đề ở đây là doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính tổng thể để thanh toán cho các khoản nợ đó hay không và ai chịu trách nhiệm về tiềm lực đó”, ông nêu vấn đề và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xếp hạng tín nhiệm.

Chuyên gia cho rằng không phải tất cả các trái phiếu trên thị trường đều là "vàng và kim cương" theo như Nghị định 65, ngay cả trái phiếu doanh nghiệp không đáng đầu tư hay cổ phiếu "rác" vẫn có người mua.  

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm