VN-Index đang dao động trong vùng tích lũy giữa lúc lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm vượt mốc 3,34% – mức cao nhất trong vòng hai năm. Diễn biến này khiến nhà đầu tư lo ngại về áp lực chiết khấu tài sản và định giá cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh chi phí vốn đang dần gia tăng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Phân tích Kinh tế vĩ mô và Chiến lược Thị trường tại Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đây chưa phải là tín hiệu tiêu cực nếu lợi suất không tiếp tục “tăng sốc”. Nhận định được đưa ra trong chương trình Đón Gió Đông do CTCP Chứng khoán KB Việt Nam tổ chức.

Tương quan giữa VN-Index và lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm giai đoạn 2020–2025. Nguồn: VBMA, VIRA – Dữ liệu cập nhật đến ngày 30/06/2025.
Vì sao lợi suất tăng mạnh?
Từ đầu năm 2025 đến nay, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm đã bật tăng mạnh từ 2,27% lên 3,34% (tính đến ngày 30/6/2025). Theo ông Trần Đức Anh, nguyên nhân đầu tiên đến từ kế hoạch phát hành trái phiếu lớn chưa từng có của Chính phủ để phục vụ mục tiêu giải ngân đầu tư công hơn 800.000 tỷ đồng – tăng hơn 20% so với năm trước. Trong đó, kế hoạch phát hành TPCP lên tới 500.000 tỷ đồng, cao hơn 50% so với năm 2024. Để hấp dẫn dòng tiền, lợi suất phát hành buộc phải nâng lên, đặc biệt ở kỳ hạn trung – dài hạn.
Theo số liệu từ HNX, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm chiếm 86,1% tổng giá trị phát hành trong 5 tháng đầu năm 2025, phản ánh xu hướng tập trung huy động vốn vào các kỳ hạn trung và dài hạn.

Cấu trúc kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2025. Nguồn: HNX, MBS Research – Dữ liệu tính đến ngày 31/5/2025.
Ngoài yếu tố trong nước, áp lực từ bên ngoài cũng không thể xem nhẹ. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm duy trì ở mức cao 4,5%, trong khi kỳ hạn 30 năm vượt ngưỡng 5%. Xu hướng này phản ánh kỳ vọng lạm phát dai dẳng do chi tiêu công lớn và chiến tranh thương mại toàn cầu. “Với mức độ rủi ro cao hơn, Việt Nam buộc phải chấp nhận lợi suất tương đối cao hơn để cạnh tranh dòng vốn”, ông Trần Đức Anh lý giải.
Yếu tố thứ ba là lạm phát tiềm ẩn. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã ổn định dưới mức 4% từ giữa năm 2024 đến nay, nhưng những rủi ro trong tương lai vẫn còn đó. Ông Đức Anh chỉ ra rằng: “Chính sách tiền tệ nới lỏng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, giá hàng hóa leo thang do thuế quan Mỹ và xung đột địa chính trị có thể khiến kỳ vọng lạm phát bật tăng trở lại”.
Áp lực nào lên VN-Index?
Giữa lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán tồn tại mối quan hệ nghịch chiều: khi lợi suất tăng, chi phí vốn tăng, từ đó làm giảm giá trị hiện tại của dòng tiền kỳ vọng trong định giá cổ phiếu. Điều này đặc biệt đúng với nhóm cổ phiếu tăng trưởng, vốn nhạy cảm với lãi suất.
Dẫn số liệu từ chương trình, ông Trần Đức Anh cho biết: “Giai đoạn 2020–2021, khi lợi suất giảm mạnh, VN-Index đã tăng vọt. Ngược lại, năm 2022, lợi suất bật tăng kéo theo nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường”. Tuy nhiên, từ giữa 2023 đến nay, lợi suất tăng đều và chậm, tạo điều kiện cho VN-Index duy trì sự ổn định.
Hiện mức 3,34% vẫn thấp hơn đáng kể so với đỉnh gần nhất là khoảng 5,21% thiết lập vào tháng 10/2023, và còn cách rất xa đỉnh lịch sử 17,10% ghi nhận trong giai đoạn 2007–2010. Vì vậy, theo ông Đức Anh, “chỉ khi lợi suất tiếp tục tăng mạnh và vượt ngưỡng trung bình ba năm, thị trường mới thực sự gặp áp lực điều chỉnh”. Nếu lợi suất giữ xu hướng đi ngang hoặc tăng từ tốn, thị trường có thể hồi phục nhẹ nhờ dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu định giá thấp trong môi trường lãi suất thực còn mềm.
Điều gì cần theo dõi?
Dự báo cho nửa cuối năm 2025, ông Trần Đức Anh cho rằng ba yếu tố sẽ quyết định xu hướng lợi suất và tác động đến VN-Index. Thứ nhất là, tiến độ giải ngân đầu tư công – nếu bị chậm, áp lực phát hành sẽ dồn vào cuối năm, kéo lợi suất tăng. Thứ hai là, định hướng chính sách tiền tệ – nếu NHNN tiếp tục giữ lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, rủi ro lạm phát có thể khiến lợi suất bị điều chỉnh; và thứ ba là tình hình quốc tế – bao gồm tỷ giá, chính sách lãi suất của Fed và biến động địa chính trị.