Nuôi trẻ thân - tâm - tuệ là gì?
Sáng 26/7, diễn đàn giáo dục Nuôi dưỡng Thân - Tâm - Tuệ giúp con vững vàng trong thế kỷ 21 diễn ra, tập trung bàn luận về những giải pháp nuôi dưỡng trẻ toàn diện trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng.
GS.TS.BS Đinh Xuân Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Cochin (Paris, Pháp), nhấn mạnh, để một con người phát triển toàn diện, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên, 3 yếu tố "thân - tâm - tuệ" cần được nuôi dưỡng song hành, không thể tách rời nhau.

Hiện nay, giáo dục mầm non vẫn dành nhiều sự chú trọng cho kiến thức nền tảng, mà chưa đầu tư tương xứng cho việc phát triển năng lực, phẩm chất (Ảnh: BTC).
Ông ví giai đoạn tuổi mới lớn như một “cánh đồng xanh”, đầy tiềm năng nhưng cũng rất dễ bị tác động nếu không được chăm sóc đúng cách. Trẻ ở độ tuổi này không chỉ cần được chăm lo về thể chất (thân) mà còn cần được định hướng phát triển về tư duy, nhận thức (trí) và cảm xúc nội tâm (tâm).
Theo GS Tuấn, việc phát triển "trí" không đơn thuần là học giỏi hay biết nhiều kiến thức, mà là khả năng đặt ra câu hỏi và tự tìm ra lời giải phù hợp nhất trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, từ học tập, nghiên cứu khoa học đến những tình huống giao tiếp, ứng xử thường nhật.
Khi trí tuệ được rèn luyện đúng hướng, nó sẽ dẫn đến “tuệ” - không chỉ là sự hiểu biết, mà còn là lòng vị tha, sự đồng cảm và khả năng sống hài hòa với người khác.
Không chỉ áp dụng cho trẻ em, GS Tuấn cho rằng nguyên lý “thân - tâm - tuệ” cũng vô cùng cần thiết với người trưởng thành trong hành trình giữ gìn sức khỏe thể chất, sự sáng suốt tinh thần và sự an yên trong tâm hồn.
Những sai lầm khi chăm sóc trẻ
Chia sẻ tại diễn đàn, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn cho hay, hiện nay, thế giới đã phát hiện hơn 200 loại siêu vi gây bệnh hô hấp, đặc biệt ở trẻ em. Trung bình, trẻ em bị cảm, sổ mũi, sốt do siêu vi 8-10 lần/năm, thậm chí có thể lên tới 12-15 lần. Do đó, trẻ cần được xây dựng một hệ miễn dịch tốt để phát triển khỏe mạnh.
Cách tốt nhất để xây dựng miễn dịch cho trẻ là ăn đủ chất, ngủ đủ giấc và tiêm chủng đầy đủ.
Bác sĩ Đoàn cũng nhấn mạnh, hiện nay, các thông tin lan truyền chống lại việc tiêm chủng hầu hết là giả mạo hoặc không có căn cứ. Việc tiêm chủng định kỳ, đúng lịch, bao gồm cả các mũi nhắc lại, là rất cần thiết, đặc biệt trong những năm đầu đời.
Ngoài ra, cha mẹ cần tránh sử dụng kháng sinh tràn lan để trị bệnh cho trẻ.
“Hiện nay, tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở trẻ em tại Việt Nam cho các bệnh hô hấp rất cao (97%) so với các nước khác.
Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần hỏi bác sĩ nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn hay siêu vi để tránh dùng kháng sinh sai mục đích, vì kháng sinh không trị được virus”, bác sĩ Đoàn lưu ý.

Bác sĩ Trí Đoàn chia sẻ tại diễn đàn (Ảnh: BTC).
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần hiểu được mục đích của việc cho con trẻ uống thuốc hạ sốt là để giúp bé dễ chịu hơn thay vì như lầm tưởng thường thấy là để nhiệt độ trở về bình thường
“Sốt là một phản ứng có lợi của hệ miễn dịch để sản xuất kháng thể và tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Cha mẹ không nên hoảng sợ khi trẻ sốt, chỉ cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi quấy khóc, khó chịu”, bác sĩ Đoàn nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Đoàn, dinh dưỡng cũng là một trong 3 trụ cột sức khỏe trẻ em, đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp năng lượng và dưỡng chất để trẻ phát triển toàn diện.
Chia sẻ góc nhìn tại Việt Nam hiện nay, bác sĩ cho hay, suy dinh dưỡng và thấp còi rất hiếm gặp, thay vào đó là vấn đề thừa cân và béo phì ngày càng phổ biến.
Theo đó, trẻ em chỉ nên ăn đa dạng theo 4 nhóm chất gồm đường (tinh bột), đạm, béo, rau củ quả. Ngoài ra, trẻ chỉ nên bổ sung sữa ở mức vừa phải với khoảng 200-400ml sữa tươi/ngày.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần tránh cho dụ dỗ hay ép buộc trẻ ăn. Việc này có thể khiến bé ăn nhiều hơn nhu cầu, dẫn đến thừa cân và béo phì về lâu dài.
Ngoài ra, bác sĩ Trí Đoàn cũng chỉ ra, việc chạy đua bổ sung vi chất cho con ở nhiều phụ huynh hiện nay là không cần thiết.
“Một trẻ em bình thường chỉ cần bổ sung vitamin D, ngoài ra, các vi chất và vitamin khác thường không cần thiết”, bác sĩ cho hay.
Khuyến khích trẻ hoạt động nhiều ngoài trời
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đồng ý, trẻ cần duy trì lối sống lành mạnh là nền tảng giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Các chuyên gia giáo dục thảo luận tại diễn đàn (Ảnh: BTC).
Theo đó, hoạt động thể chất cần được duy trì hằng ngày, kết hợp với chế độ ngủ nghỉ hợp lý và hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử. Thay vì dành nhiều thời gian cho điện thoại hay ti vi, trẻ nên được khuyến khích chơi ngoài trời, khám phá thiên nhiên. Đây là một phương pháp học tập và rèn luyện tự nhiên hiệu quả.
Bên cạnh đó, sức khỏe tinh thần của trẻ cũng cần được nuôi dưỡng kỹ lưỡng. Sự yêu thương, khen ngợi đúng lúc sẽ giúp trẻ tự tin và không ngừng cố gắng.
Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ những kỹ năng xã hội cơ bản như cách chào hỏi, chia sẻ và lắng nghe, giúp trẻ dễ hòa nhập với cộng đồng. Việc tôn trọng cảm xúc và tạo không gian để trẻ được bộc lộ cảm xúc thật là điều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh về mặt tâm lý.
Đặc biệt, khơi gợi sự sáng tạo và tư duy phản biện là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục. Trẻ học tốt nhất khi được dẫn dắt bằng sự tò mò.
Thay vì chỉ dạy kiến thức, phụ huynh nên đặt câu hỏi gợi mở để trẻ suy nghĩ, phản biện và học cách tìm lời giải cho chính mình. Đây cũng là một kỹ năng thiết yếu trong thế giới nhiều biến động.
Ngoài ra, giáo dục không nên chỉ xoay quanh điểm số. Thay vì so sánh con với bạn bè hoặc gây áp lực thành tích, cha mẹ cần tập trung vào sự tiến bộ của chính con.
Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là nuôi dưỡng những công dân có phẩm chất tốt, có kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo và nội lực để thích ứng trước thay đổi.
Tóm lại, để trẻ phát triển toàn diện, cần một môi trường giáo dục hợp tác giữa gia đình và nhà trường. Điều này sẽ trang bị cho trẻ sự tự tin, khả năng thích nghi và nền tảng vững chắc để bước vào tương lai.