Bất động sản

Chuyên gia: Bất động sản sẽ xuất hiện tín hiệu đảo chiều muộn nhất vào giữa năm 2024

Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng đầu năm 2023. (Ảnh minh họa: Hải Quân).

Những tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản đã và đang xuất hiện, niềm tin của các nhà đầu tư cũng đang được củng cố. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của ngành này đến nay vẫn là một ẩn số.

Chia sẻ tại buổi công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 diễn ra sáng 11/4, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính và tiền tệ của chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường, góp phần định hướng nhu cầu của bất động sản trở về với giá trị thực.

Theo đó, lãi suất huy động đã được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Nghị quyết 08 giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp, phục hồi niềm tin cho thị trường này. Nghị quyết 33 được xem là cơ hội để khơi thông yếu tố pháp lý, điểm nghẽn vốn cho bất động sản.

Ngoài ra, việc chính thức thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển NOXH, nhà ở công nhân với lãi suất ưu đãi cũng góp phần giải tỏa cơn khát nhà ở, đưa thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững và phục vụ nhu cầu thực.  

Theo vị này, nếu so sánh với đợt khủng hoảng cách đây hơn 10 năm, thị trường địa ốc đang chịu tác động bởi những yếu tố tương tự.

Cụ thể, khi tín dụng ngân hàng bị siết chặt vào năm 2018 thì phải đến 4 năm sau (cuối năm 2012) thì chính sách hỗ trợ thị trường mới bắt đầu được tung ra. Đơn cử như lãi suất được điều chỉnh giảm, hạn mức tín dụng tăng và gói 30.000 tỷ được ban hành,…

Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi thị trường bắt đầu có sự kiểm soát chặt chẽ về tín dụng thì chỉ đến quý I/2023, những chính sách hỗ trợ đã được ban hành liên tiếp. Trong đó phải kể đến gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Nghị quyết số 33, Nghị định 08, NHNN giảm lãi suất điều hành hai lần,…

“Chính sách có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản và thông thường chỉ có độ trễ khoảng hai quý. Dự báo với những chính sách vừa được Chính phủ ban hành, thời điểm xuất hiện tín hiệu đảo chiều thị trường bất động sản sẽ rơi vào quý IV/2023 hoặc muộn hơn là vào giữa năm 2024. Lúc này, lượng hàng tồn kho trên thị trường sẽ giảm mạnh”, ông Quốc Anh nhận định.

Vị này nói thêm, điều quan trọng hiện nay là độ trễ và mức độ ảnh hưởng của chính sách. Nếu chính sách càng thâm nhập nhanh và tác động nhanh đến các đối tượng trên thị trường, đặc biệt là gói 120.000 tỷ đồng thì đà phục hồi của thị trường kỳ vọng sẽ diễn ra nhanh hơn, thậm chí là nhanh hơn giai đoạn trước.

Một yếu tố nữa theo chuyên gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đảo chiều của thị trường bất động sản đó là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân hiện nay vẫn khá chậm. Nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, cộng với việc thu hút nguồn vốn FDI duy trì tốt so với các năm, kết hợp với các chính sách nói trên thì thời thị trường địa ốc lấy lại đà tăng trưởng sẽ diễn ra sớm hơn.

”Thị trường bất động sản sẽ tốt hơn trong quý II/2023 nhưng sẽ chưa thể có những chuyển biến mạnh mẽ”, vị này nói.

(Nguồn: Batdongsan.com).

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây cũng cho biết, ba điểm nghẽn lớn của thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và pháp lý đang đã được Chính phủ nhìn nhận và đang vào cuộc một cách quyết liệt. Niềm tin của các nhà đầu tư đang được củng cố khi Chính phủ liên tiếp ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Tới đây sẽ có nhiều hơn những văn bản ra đời và theo đó, sẽ có nhiều dự án trong hàng nghìn dự án đang nằm đắp chiếu chờ đợi chính sách sẽ được cởi trói, cung cấp nguồn cung mới cho thị trường. Như vậy, thị trường có thể sẽ tốt lên trong quý II/2023 khi nguồn cung tăng, dòng tiền trở lại, doanh nghiệp có nguồn vốn qua phát hành trái phiếu,…”, vị này nhận định.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá, không ngay lập tức giống như chính sách tiền tệ, chính sách về bất động sản luôn luôn có độ trễ. Một chính sách hôm nay ra có thể phải 6 tháng sau mới có hiệu lực và sau đó tiếp tục cần thời gian để lan tỏa.

“Theo tôi, thị trường bất động sản phải có lên có xuống giống như đồ thị hình Sin. Nhiều dự báo thị trường sẽ tốt lên vào quý III hoặc quý IV nhưng tốt lên ở góc độ nào, mảng nào? Nhưng ở góc độ làm chính sách, Chính phủ và các bộ ngành phải làm cho thị trường phát triển và chắc chắn trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ khác. Cụ thể là vào thời điểm cuối năm 2023 sẽ có những yếu tố tích cực liên quan đến dòng vốn giải ngân đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ vướng mắc pháp lý", vị này nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm