Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam tăng 12,2% năm 2023, đóng cửa ở 1.129,93 điểm

Đóng cửa, VN-Index tăng 1 điểm (0,09%) lên 1.129,93 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,31 điểm (0,13%) về 231,04 điểm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,09%) lên 87,04 điểm.

Như vậy,VN-Index khép lại năm 2023 ở mốc 1.129,93 điểm. Nếu tính từ thời điểm đầu năm, chỉ số chính sàn HOSE có nhịp tăng gần 123 điểm, tương đương gần 12,2%. Kết quả này đưa chứng khoán Việt Nam vượt trội so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Phillipine.

Trở lại diễn biến phiên chiều ngày giao dịch cuối cùng của năm 2023, áp lực bán dâng cao trong phiên chiều khiến VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng trong phiên sáng. Mặc dù không lui về vùng giá đỏ nhưng chỉ số chính đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.

Độ rộng thị trường trên HOSE vẫn nghiêng về bên mua với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 295/190. Toàn thị trường ghi nhận 589 mã tăng, 394 mã giảm và 275 mã giữ giá không đổi.

Vai trò nâng đỡ điểm số gọi tên BID, GVR, VPB, HDB. Trong khi đó, từ “công thần” đóng góp nhiều điểm số tăng nhất cho VN-Index, VCB đảo chiều giảm 3% và trở thành “tội đồ” lớn nhất của thị trường trong phiên chiều nay. Cùng với đó, VHM, VNM, GAS cũng là các bluechip gây áp lực giảm điểm cho thị trường.

Về mặt thanh khoản, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 18.200 tỷ đồng, tương đương hơn 857 triệu cổ phiếu được mua bán trong phiên hôm nay. Tính riêng trên HOSE, giá trị khớp lệnh đạt gần 13.100 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn thấp hơn 5% so với giá trị trung bình trong 1 tháng trở lại đây.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối năm 2023 tăng gần 3 điểm, với sự hậu thuẫn chủ yếu đến từ sắc xanh của nhóm vốn hóa lớn. Dù VN-Index đã có 2 lần chưa kiểm định thành công vùng đỉnh cũ 1.130 điểm nhưng phiên cuối năm vẫn được kỳ vọng sẽ có những diễn biến khởi sắc để chốt năm.

Đà tăng được duy trì xuyên suốt phiên sáng nay, VN-Index dừng phiên sáng tăng 5,73 điểm, tương đương tăng 0,51% so với phiên trước lên 1.134,66 điểm. Cùng chiều, HNX-Index tăng 0,53 điểm (0,23%) lên 231,88 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index giảm 0,52 điểm (0,6%) về 86,44 điểm.

Theo quan sát, cổ phiếu của các nhà băng tiếp tục là nhân tố dẫn dắt đà tăng cho VN-Index với mức đóng góp gần 4 điểm. Trong Top10 mã ảnh hưởng tích cực lên chỉ số chính, có 6 đại diện đến từ nhóm ngân hàng là VCB, BID, VPB, TCB, ACB và MBB. Bên cạnh nhóm ngân hàng, một số mã bluechip bật tăng mạnh là động lực cho chỉ số đi lên, đơn cử như GVR, MSN, SAB, NVL, VIC, ...

Tương tự, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công cũng giao dịch khởi sắc với KSB tăng 2,5% lên 26.900 đồng/cp, cùng với đó C4G, LCG, VCG, HT1, FCN và HHV cũng tăng quanh ngưỡng 1%.

Nhóm chứng khoán giao dịch phân hóa với một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng trên 1% như TCI, ORS, TVS, BVS tăng trên 1%. Sắc xanh nhẹ cũng được chứng kiến ở BMS, CSI, VFS, AGR, VDS, VIX, CTS, VND, HCM. Chiều ngược lại, SSI, FTS, BSI, DSC, HBS, APS, VUA dừng phiên sáng trong sắc đỏ.

Thanh khoản khớp lệnh trên HOSE phiên 29/12 so sánh với mức bình quân trong một tháng trở lại đây. Nguồn: Algo Platform.

Điều còn thiếu ở thị trường phiên sáng nay là thanh khoản khi dòng tiền dường như chủ yếu đứng ngoài. Giá trị giao dịch có cải thiện hơn so với phiên trước nhưng vẫn thấp hơn giá trị trung bình trong 1 tháng gần đây. Thanh khoản toàn thị trường phiên sáng nay ghi nhận hơn 8.000 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE, thanh khoản khớp lệnh chưa đến 5.700 tỷ đồng. 

Tại thị trường quốc tế, trong phiên giao dịch ngày 28/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng 54 điểm lên 37.710 điểm, tiếp tục lập kỷ lục mới. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite chốt phiên giảm 0,03% xuống 15.095 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0,04% và kết phiên với 4.783 điểm, chỉ cách mức đỉnh lịch sử ghi nhận vào tháng 1/2022 hơn 13 điểm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm