Doanh nghiệp

Chủ tịch Vinaconex: Lợi nhuận đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lãi chỉ chiếm 2-3%

Sáng 14/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG).

 Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Vinaconex.

Năm 2023, tổng công ty lên mục tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 8% xuống còn 860 tỷ đồng.

Trong đó tổng doanh thu và thu nhập công ty mẹ kỳ vọng đạt 10.270 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 345 tỷ, tăng lần lượt 25% và 22% so với năm 2022.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của Vinaconex và tài liệu ĐHĐCĐ 2023.

Trong giai đoạn 2022 – 2025, ban lãnh đạo Vinaconex xác định xây lắp là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng, doanh thu hàng năm của tổng công ty. Trong đó, các dự án hạ tầng giao thông có vốn đầu tư công vẫn sẽ là động lực dẫn dắt chính trong việc tăng trưởng quy mô.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, chiến tranh, lạm phát toàn cầu, cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, thị trường bất động sản trong nước bước vào giai đoạn điều chỉnh cả về giá và tính thanh khoản, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tăng trưởng quy mô của lĩnh vực xây lắp.

Bên cạnh đó, việc phải cạnh tranh về giá do thiếu hụt việc làm, chi phí vật tư vật liệu và chi phí tài chính tăng sẽ bào mòn biên lợi nhuận vốn khá mỏng của ngành xây dựng.

Về kế hoạch chi trả cổ tức, Vinaconex dự kiến chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, tương ứng với việc công ty sẽ phát hành hơn 48,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 4.859 tỷ lên hơn 5.344 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Đối với năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 10% song không đề cập cụ thể là bằng tiền mặt hay cổ phiếu.

Khởi công cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 với sự tham gia của nhà thầu Vinaconex. (Ảnh: Vinaconex).

Bên cạnh việc thực hiện các dự án chuyển tiếp, tổng công ty đã triển khai công tác nghiên cứu, phát triển một số dự án mới tại các tỉnh thành trong cả nước như: Dự án khu đô thị sinh thái tâm linh Biển Hồ, Phú Yên (338 ha); Dự án khu công nghiệp Đông Anh Hà Nội, Dự án khu công nghiệp Sơn Tây, Hà Nội,…

Ngoài ra, tổng công ty cũng đang xin chủ trương nghiên cứu và tài trợ công tác lập quy hoạch một số khu đất tại Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà phân khúc trung bình.

Năm nay, Vinaconex cũng dự kiến hoàn thành bán hàng và bàn giao các căn hộ tại các dự án: Green Diamond số 93 Láng hạ; Dự án khu dân cư đô thị tại Km3, Km4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh; triển khai bán hàng tại Dự án khu đô thị Đại lộ Hoà Bình (Móng Cái), khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina…

Ngoài ra sẽ hoàn thiện các thủ tục và triển khai thực hiện các dự án khác: Khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25); Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Tuy Hoà, Phú Yên… 

Ảnh: HK.

Thảo luận:

Vinaconex đã tham gia nhiều công trình hạ tầng có vốn đầu tư công, hiệu quả đầu tư ra sao?

Ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT:  Đầu tư công trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn khi giá nguyên vật liệu, giá nhân công tăng. Trong hạch toán năm 2022, hiệu quả của công trình đầu tư công có lợi nhuận nhưng rất thấp. 

Vinaconex đã trả nợ hơn 1.500 tỷ đồng trái phiếu, dư nợ trái phiếu còn lại là 3.700 tỷ đồng, công ty có kế hoạch chi trả khi nào?

Ông Đào Ngọc Thanh: Trái phiếu là một vấn đề nóng trên thị trường năm 2022. Tuy nhiên việc huy động trái phiếu của Vinaconex đều có tài sản đảm bảo.

Trong hoàn cảnh hiện nay, Vinaconex đã thu xếp mọi nguồn lực để trả nợ hơn 1.500 tỷ. Số trái phiếu còn lại sẽ tiếp tục trả trong 2023 và cố gắng trả trước thời hạn.

Tình hình triển khai dự án Cát Bà Amatina (172 ha) thế nào?

Ông Đào Ngọc Thanh: Đây là một dự án lớn của Vinaconex. Dự án đã thanh toán toàn bộ tiền thuế sử dụng đất cho Chính phủ, không những là đất có sổ đỏ mà toàn bộ số đất thương mại đã thanh toán xong. Về mặt hạ tầng thì dự án cơ bản đã hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Công ty có kế hoạch tiếp tục triển khai dự án nhanh, mạnh dự án Cát Bà Amatina hay không?

Ông Đào Ngọc Thanh: Vinaconex muốn kinh doanh phải xem xét tình hình thị trường. Tình hình thị trường hiện nay rất xấu nên muốn đầu tư hiện nay phải cân nhắc. Hiện chúng ta tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hạ tầng, tiếp tục đầu tư để trả những phần hàng mà khách hàng đã mua từ trước khi doanh nghiệp tái cấu trúc.

Đây là một dự án lớn với quy mô hàng tỷ USD nên HĐQT sẽ theo sát thị trường và sẽ cân nhắc về việc đầu tư.

Vinaconex đang đầu tư nhiều dự án khu đô thị ở Quảng Ninh, Đại Lải, Đồi Chè,… tình hình thực hiện đầu tư các dự án ra sao?

Ông Đào Ngọc Thanh: Tất cả khu đô thị này phần lớn đã hoàn thành các thủ tục pháp lý. Vấn đề tiếp tục triển khai và ghi nhận doanh thu cùng lợi nhuận ra sao thì vẫn là một câu chuyện.

Ví dụ dự án Khu dân cư Km3, Km4 ở Quảng Ninh (43,8 ha) hayKhu đô thị Đại lộ Hoà Bình (48,8 ha) đã bỏ rất nhiều tiền giải phóng mặt bằng và đang cố gắng kinh doanh hạ tầng để ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên có những dự án khác Vinaconex không thể nào làm ngay tức thì. 

Trong tình hình khó khăn về thủ tục pháp lý thì việc triển khai không đơn giản. Vinaconex sẽ cố gắng thực hiện nhưng đầu tư phải mang lại lợi nhuận. 

Ngoài ra, việc có tiếp tục đầu tư các dự án này hay không còn phải căn cứ vào yếu tố thị trường - yếu tố số 1 bên cạnh yếu tố khác là pháp lý khi Việt Nam hiện đang bị tắc về vấn đề này. Chính phủ đã phải đưa ra một nghị quyết giải cứu bất động sản nhưng giải cứu ra sao thì vẫn cần chờ đợi.

Chiến lược đầu tư của tổng công ty như thế nào?

Ông Đào Ngọc Thanh: Chiến lược của tổng công ty là làm bất cứ điều gì mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Sau 4 năm tái cấu trúc từ một tổng công ty nhà nước thì tạm thời chưa có năm nào lỗ và không có cổ tức.

"Tuy nhiên vẫn chưa thực sự hài lòng, chúng ta phải làm cho lợi nhuận cao hơn nữa, không phải là 10-15% mà là 20 - 30% doanh thu. Chiến lược ưu tiên là làm sao để giữ vững tổng công ty, các cán bộ công nhân viên vẫn sống bình thường và các cuộc họp ĐHĐCĐ đều có cổ tức chia cho cổ đông", người đứng đầu Vinaconex chia sẻ.

Hiện Vinaconex có ba trụ cột quan trọng nhất. Đầu tiên là mảng xây lắp - đã làm nhiều công trình đầu tư công khắp cả nước, các nơi trọng điểm nhất đều có Vinaconex. 

Với việc đầu tư bất động sản, dự án cứ mang lại lợi nhuận thì đều được quan tâm. Hiện Vinaconex có nhiều dự án trải dài trên các tỉnh thành, nhưng khi nào đầu tư và đầu tư như thế nào thì phải căn cứ vào thị trường.

Thứ ba là trụ cột đầu tư tài chính - dùng dòng tiền đầu tư vào chỗ nào để mang lại lợi nhuận, ví dụ như đầu tư vào thuỷ điện Đắk Ba (Nhà máy thuỷ điện Đăkba đã đi vào phát điện ổn định từ cuối tháng 12/2022 và bắt đầu đêm lại doanh thu, lợi nhuận ổn định từ năm 2023).

Vì sao doanh thu và lợi nhuận công ty mẹ năm 2022 thấp hơn so với kế hoạch?

Ông Đào Ngọc Thanh: "Đến hôm nay đã nhẹ nhõm hơn. Mấy tháng trước đó, ban lãnh đạo đều lo không thể hoàn thành và không có cổ tức bởi tình hình quá căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam còn không đạt 20-30% kế hoạch trong bối cảnh tình hình kinh thế khó khăn.

Có giai đoạn đầu tư công tăng gấp 2 lần, giá đất đắp nền đường giao thông tăng gấp 3 lần. Cho đến bây giờ đã thở phào nhẹ nhõm khi vẫn còn tiền".

Chia sẻ về tình hình kinh doanh quý I/2023?

Ông Đào Ngọc Thanh: Quý I năm nay, kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ 2022, do đầu tư công tới lúc hái quả. Vinaconex đã bàn giao được dự án Mai Sơn quốc lộ 45, dự án Dầu Giây - Phan Thiết. Hai gói thầu lớn này có quy mô 4.000 - 5000 tỷ, nếu bàn giao thì sẽ được quyết toán và sẽ có dòng tiền.

"Dòng tiền rất quan trọng giống như mạch máu. Máu khô thì tim chết".

Vì sao Vinaconex tạm ứng cho các tổ đội thi công, nhân viên thực hiện dự án, thời điểm cuối năm 2022 có giá trị lớn?

Ông Đào Ngọc Thanh: Vinaconex làm dự án đầu tư công với hợp đồng chục nghìn tỷ. Tạm ứng để giải ngân, đặc biệt là dự án đầu tư công của nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, có những lúc giải ngân tạm ứng 30-35% hợp đồng.

"Nếu không tạm ứng thì giá sắt thép lên như năm vừa qua thì lỗ to. Việc tạm ứng nhiều hay ít cho các đơn vị thi công, các tổ đội cũng nằm trong chiến lược. Đây là nghệ thuật của ban điều hành. Tạm ứng nhiều hay ít chủ yếu có đảm bảo an toàn vốn cho tập đoàn hay không".

 Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2022.

Tổng giá trị hợp đồng xây dựng của các công trình hạ tầng vốn đầu tư công của Vinaconex hiện là bao nhiêu? Dự báo doanh thu và lợi nhuận các dự án này ra sao?

Ông Đào Ngọc Thanh: Đầu tư công nhanh nhất cũng phải hai năm. Năm ngoái, Vinaconex thực hiện tổng số các hợp đồng đầu tư công xấp xỉ 10.000 tỷ cho các loại công trình đường, cầu, hàng không,….

Năm nay, giá trị các hợp đồng đầu tư công đã ký, khoảng 8.000 tỷ. Vinaconex có hạch toán một phần lợi nhuận trong năm 2022, con số kết quả kinh doanh cụ thể còn phải chờ quyết toán. 

Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu hơn 16.000 tỷ năm 2023, vậy dòng tiền chính ở những dự án nào?

Ông Đào Ngọc Thanh: Về đầu tư công, tính tới hết quý I đã đạt 10.000 tỷ. Còn lại dựa vào các công trình đầu tư công, hi vọng trúng được thêm các gói thầu.

Thứ hai là đầu tư bất động sản, dự án Green Diamond (93 Láng Hạ, Hà Nội) năm nay mới được ghi nhận doanh thu. Các dự án bất động sản khu vực Quảng Ninh, các khu đất công nghiệp.

Vinaconex có đầy đủ cơ sở để khẳng định đạt được mục tiêu doanh thu 16.000 tỷ đồng năm nay.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán các năm.

Tại sao Vinaconex đặt mục tiêu lợi nhuận sụt giảm so với 2022 trong khi doanh thu tăng mạnh?

Ông Đào Ngọc Thanh: Lợi nhuận Vinaconex phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dựa trên ba trụ cột.

Việc đầu tư tài chính thì ổn định, đầu tư bất động sản thì lợi nhuận các hạng mục lớn nhưng số lượng hạng mục ghi nhận cho 2023 không nhiều.

"Giá trị đầu tư công rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng tại sao phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận về đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2-3%", ông Thanh chia sẻ.

 Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất cả năm.

Vinaconex có dự định làm chung cư thu nhập thấp không?

Ông Đào Ngọc Thanh: “Có chứ, quá mong muốn nhưng để có miếng đất làm chung cư thu nhập thấp thì khó như lên trời nhưng Vinaconex vẫn cố gắng. Dù lợi nhuận chỉ có 10% vẫn còn hơn làm đầu tư công”.

Các công trình thuỷ điện, nhiệt điện, lọc hoá đầu thì không thấy bóng dáng nhiều của Vinaconex. Nếu các doanh nghiệp xây lắp Việt Nam muốn vươn lên để trở thành các tập đoàn kinh tế lớn thì làm tổng thầu EPC nhưng Vinaconex dường như chưa có dự án công nghiệp lớn nào làm tổng thầu EPC. Xin ban lãnh đạo chia sẻ thêm về định hướng này?

Ông Đào Ngọc Thanh: "Làm EPC cho một dự án là điều hết sức mong muốn nhưng lực bất tòng tâm, cần phải có một quá trình. Để làm EPC cho một dự án công nghiệp đặc biệt cho các nhà máy lớn là khó khi phải có hệ thống đồng bộ từ thiết kế, mua sắm, thương mại. Bản thân thi công chỉ là một phần việc nhỏ trong đó".

Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông: Vinaconex hiện nay cũng đang làm nhiều các dự án công nghiệp nhưng Vinaconex đều hợp tác với đối tác nước ngoài. Ở Việt Nam chưa có đơn vị nào tổng thầu được nhà máy lọc dầu hay nhiệt điện bởi vì liên quan tới công nghệ, thiết bị, bảo trì, hệ thống vận hành,…

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm