
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT. (Ảnh: OCB).
Chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra vào sáng ngày 22/4, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB), đánh giá thuế quan đối ứng của Mỹ tác động rất nhiều đến thương mại trên toàn cầu và có thể nói rằng đây là yếu tố rất bất định, không dự đoán được bởi “không ai biết trước được ông Trump sẽ ứng xử hoặc ra quyết định như thế nào”.
Về phía OCB, tinh thần đầu tiên là ngân hàng sẽ nhìn nhận thị trường nói chung một cách thận trọng nhưng không bi quan, mà hướng đến những kế hoạch, chiến lược mang tinh thần tích cực, ví dụ như mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33% trong năm nay.
Đồng thời, ban điều hành xác định 2025 là năm cuối cùng thực hiện chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 nên phải hành động quyết liệt, chuyển mình mạnh mẽ để đạt được các mục tiêu.
Chủ tịch OCB cho rằng khi nhìn nhận nền kinh tế theo chu kỳ thì phải có lên, có xuống. Sau ba năm ở trạng thái xuống (2022 – 2024) thì hoàn toàn có thể kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại vào năm nay.
Ông chia sẻ thêm từ kinh nghiệm kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam trong vài chục năm qua, đã có rất nhiều giai đoạn thị trường tệ, điển hình là giai đoạn 2010 – 2011 và kéo dài đến hết năm 2013.
OCB cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn như vậy, để từ một ngân hàng quy mô nhỏ, với lợi nhuận vài chục tỷ đồng mỗi năm trở thành một ngân hàng có quy mô trung bình, với lợi nhuận tăng trưởng 60 - 70%, thậm chí gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2021.
Từ năm 2022 đến nay, kinh tế thế giới đảo chiều, Fed từ duy trì lãi suất thấp đã tăng lãi suất rất cao, chính sách tiền tệ tại Việt Nam cũng thay đổi. Giai đoạn 2022 – 2024, OCB đều không đạt kế hoạch kinh doanh đề ra.
Ban điều hành xác định việc xử lý tài sản bảo đảm của nhóm khách hàng cá nhân mất rất nhiều thời gian, ngân hàng phải trích lập dự phòng và chính khoản dự phòng này dẫn đến kết quả kinh doanh 2024 không tốt.
2022 – 2024 tương tự giai đoạn 2012 – 2013 đều là đáy, rồi sau đó sẽ phục hồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn vào tính chu kỳ đó để mà ung dung, chủ quan, vẫn phải tính toán, có các phương án dự phòng, thích ứng.
Chủ tịch OCB bày tỏ doanh nghiệp rất có niềm tin vào sự chuyển bình đất nước để bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình. Đây chính là động lực để doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng sẽ là doanh nghiệp thừa thưởng đầu tiên từ sự ổn định vĩ mô cũng như tăng trưởng của một quốc gia. Chính vì vậy khi thương chiến xảy ra chắc chắn sẽ có tác động đến nền kinh tế, đến hoạt động ngân hàng nhưng mức độ kém đi sẽ ở mức vừa phải. Nếu mọi thứ đang phát triển thuận lợi ở mức 10 thì khi thương chiến xảy ra chỉ còn ở mức 8 chứ không thể tăng lên 11 hoặc hơn.
“Hy vọng rằng Việt Nam sẽ đàm phán được với Mỹ có một mức thuế phù hợp. Phù hợp ở đây là đồng hạng với những đối thủ cạnh tranh ở cùng mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.