Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 (ĐHCĐ) của Ngân hàng OCB, cổ đông đã chất vấn Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc cổ phiếu của ngân hàng này có giá thấp kéo dài và khả năng phục hồi của cổ phiếu này.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng OCB diễn ra tại TP.HCM. (Ảnh: Đại Việt)
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cho biết, ban lãnh đạo ngân hàng chỉ cố gắng làm việc, còn giá cổ phiếu là do thị trường và cổ đông quyết định. Tuy nhiên, ông cũng rất "chạnh lòng" về việc cổ phiếu của OCB được định giá thấp. Hiện nay, chỉ số P/B (đo lường giá cổ phiếu) của các ngân hàng TMCP tương đương 1,25 - 1,3 giá trị sổ sách. Trong khi đó, giá của OCB chỉ đạt 0,82, tức định giá của OCB đang thấp hơn so với các ngân hàng trong nhóm trung bình khoảng 30-35%.
“Giá cổ phiếu thì do thị trường quyết định thôi nhưng tôi xin khẳng định rằng, nếu đầu tư vào OCB thì cần có tầm nhìn dài hạn. Tôi và người thân trong gia đình là những nhà đầu tư cá nhân lớn nhất ở ngân hàng nên tôi rất tin tưởng vào hoạt động của OCB. Tôi kỳ vọng, trong thời gian tới cổ phiếu của ngân hàng sẽ được định giá đúng với giá trị vốn có của nó”, ông Tuấn nói.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB. (Ảnh: Đại Việt)
Ông Tuấn thẳng thắn thừa nhận, khi kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng thì giá cổ phiếu cũng sẽ bị tác động. Tuy nhiên, OCB đã và đang đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh nhằm tạo niềm tin trong mắt các cổ đông hiện hữu lẫn các nhà đầu tư tiềm năng. Một trong những giải pháp đó là cải thiện tình hình tài chính tích cực hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Tiếp theo là kiểm soát tốt nợ hiện hữu, đồng thời đẩy mạnh công tác thu hồi và xử lý nợ xấu. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động, nhân sự để hoạt động hiệu quả hơn.
Theo ông Tuấn, năm 2024 là một năm khá khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng do ảnh hưởng chung từ kinh tế thế giới và trong nước. Năm 2025, dự báo cũng còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, OCB luôn ưu tiên quyền lợi của cổ đông thông qua việc chia cổ tức.
Năm nay, OCB trình ĐHCĐ phê duyệt chính sách trả cổ tức tiền mặt 7% và 8% từ phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15% trong năm 2025. Sau khi được ĐHCĐ phê duyệt, OCB sẽ trình Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để chấp thuận chủ trương. Ngân hàng sẽ chi trả ngay sau khi 2 cơ quan quản lý chấp thuận. Dự kiến, quá trình này mất khoảng vài tháng.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB chia sẻ, kết quả kinh doanh năm 2024 của ngân hàng này chưa đạt như kỳ vọng do nợ xấu tăng, cụ thể là những khoản nợ của khách hàng cá nhân. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tăng dự phòng rủi ro tín dụng, củng cố bộ đệm dự phòng, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ. Những công tác này có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn sẽ tạo đà phát triển rất tốt.
“Năm 2025, chúng tôi sẽ tập trung chuyển đổi số, phát triển dữ liệu, nâng cao chất lượng nhân sự, đa dạng sản phẩm”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, tổng doanh thu trong quý 1/2025 của OCB đạt khoảng 2.273 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch năm. Năm 2025, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 24.658 tỷ đồng lên 26.631 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt mức 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 13% so với số thực hiện cuối năm 2024, ước đạt 316.779 tỷ đồng trong năm 2025. Tổng huy động và tổng dư nợ thị trường 1 tăng lần lượt 14% và 16%; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.