Hôm 30/11, tại hội nghị thượng định Dealbook, nhà sáng lập kiêm cựu CEO sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried thừa nhận ông đã không làm tốt trách nhiệm của mình với các nhà đầu tư và khách hàng, cũng như cơ quan quản lý, theo CNBC.
Sau sự sụp đổ của FTX, Sam Bankman-Fried vẫn khẳng định mình không lừa đảo. “Tôi chưa bao giờ cố gắng lừa đảo bất kỳ ai. Tôi thấy đó là một mô hình kinh doanh thịnh vượng và tôi đã bị sốc bởi những gì đã xảy ra trong tháng vừa qua", Bankman-Fried trải lòng. Ông chủ sàn FTX cho biết bản thân chỉ còn khoảng 100.000 USD và một thẻ tín dụng đang hoạt động.
“Chúng tôi hoàn toàn thất bại trước rủi ro. Khi nhìn lại điều đó, tôi cảm thấy xấu hổ", cựu CEO FTX nói.
Sam Bankman-Fried từng rất tích cực hoạt động tuyên truyền thị trường tiền số với các nhà quản lý. Ông cũng tài trợ cho nhiều chiến dịch chính trị nhằm tăng cường sức ảnh hưởng, phổ cập tài sản số. Ngoài ra, năm 2021, SBF từng gây chấn động khi tuyên bố công ty tiền điện tử của ông sẽ phát triển đủ lớn để mua lại ngân hàng đầu tư hàng đầu phố Wall, Goldman Sachs.
Hôm 11/11, FTX nộp đơn bảo hộ phá sản, SBF xin từ chức CEO FTX. Sau sự sụp đổ của FTX, khối tài sản ròng khoảng 16 tỷ USD của Sam Bankman-Fried gần như "bay màu", giảm chỉ còn 1 tỷ USD trong vòng một ngày, sau khi tin tức sàn giao dịch FTX cần được cứu trợ xuất hiện.
Sam Bankman-Fried cho biết "mọi thứ" mà ông sở hữu đều gắn liền với công ty hiện đang phá sản. Điều này khiến tình hình tài chính của ông trở nên "phức tạp". "Tôi ước gì mình thận trọng hơn hơn. Tôi vô cùng hối hận về điều này. Tôi đã tập trung vào khối lượng hơn là các vị thế cân bằng," SBF nói.