Công nghệ

Chip đột phá của Huawei "dùng công nghệ của hai công ty Mỹ"

Trích dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề trong chuỗi cung ứng, Bloomberg cho biết SMIC đã sử dụng công nghệ của Applied Materials và Lam Research để sản xuất chip 7 nm tiên tiến cho Huawei. Hai công ty này đều có trụ sở ở California.

Một số nguồn tin khác cũng cho biết Trung Quốc chưa thể thay thế hoàn toàn linh kiện và thiết bị nước ngoài trong việc sản xuất sản phẩm bán dẫn tiên tiến. Quốc gia này coi việc tự chủ công nghệ, trong đó có lĩnh vực bán dẫn, là ưu tiên quốc gia. Việc Huawei và SMIC tự sản xuất chip hiện nhận sự ủng hộ lớn từ Bắc Kinh.

Gian hàng của Huawei tại một triển lãm công nghệ năm 2018 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Gian hàng của Huawei tại một triển lãm công nghệ năm 2018 ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đại diện SMIC, Huawei, Lam Research chưa đưa ra bình luận. Applied Materials, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu - từ chối bình luận.

Applied Materials được thành lập năm 1967, chuyên cung cấp thiết bị, dịch vụ và phần mềm để sản xuất chip bán dẫn, màn hình phẳng cho thiết bị di động và các sản phẩm liên quan đến năng lượng mặt trời. Lam Research thành lập năm 1980, là nhà cung cấp thiết bị chế tạo wafer và các dịch vụ liên quan đến bán dẫn.

Cả Lam Research và Applied Materials được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong mảng bán dẫn của Mỹ nhờ nắm nhiều công nghệ và sản phẩm phục vụ lĩnh vực này. Năm ngoái, Applied Materials bị Mỹ điều tra hình sự do "lách luật" để bán công cụ sản xuất chip cho SMIC mà không xin giấy phép.

Tháng 8 năm ngoái, Huawei và SMIC được cho là đã tự sản xuất Kirin 9000s - chip 5G trên tiến trình 7 nm - để trang bị cho dòng Mate 60. Động thái này nhận được sự quan tâm lớn, được ca ngợi như một bước tiến lớn về bán dẫn tại Trung Quốc. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Canalys, trong quý cuối 2023, Huawei đạt mức tăng trưởng ấn tượng khi xuất xưởng 7 triệu smartphone, tăng 5.121% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, theo báo cáo trước đó từ Fortune, máy móc được SMIC sử dụng để tạo chip cho Huawei vẫn có nguồn gốc nước ngoài, như máy quang khắc DUV của ASML (Hà Lan) hay thiết bị của Lam Research và Application Materials. Do không thể tiếp cận cỗ máy quang khắc cực tím EUV tiên tiến, SMIC được cho đã tìm cách dùng DUV để tạo chip 7 nm với chi phí đắt đỏ và sản lượng kém hơn.

Sau khi Huawei ra dòng Mate 60 năm ngoái, Mỹ đã mở cuộc điều tra. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khi đó tuyên bố sẽ thực hiện "hành động mạnh mẽ" để đảm bảo an ninh quốc gia, còn các nhà lập pháp kêu gọi chính quyền Joe Biden cần cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận công nghệ Mỹ của Huawei và SMIC. Ngoài ra, Mỹ đang thúc ép các đồng minh Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường các hạn chế để ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn.

Từ tháng 3/2021, chính phủ Mỹ gần như ngừng phê duyệt giấy phép cho công ty Mỹ như KLA Corp, Lam Research, Applied Materials bán hàng cho SMIC. Tháng 9 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ thông báo bằng văn bản đến ba công ty trên, yêu cầu không xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cho những nhà máy Trung Quốc có khả năng chế tạo sản phẩm dưới 14 nm, trừ khi có giấy phép.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm