Xã hội

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2025

Cấp huyện kết thúc hoạt động

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nêu rõ, từ ngày 1/7, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7 / 2025: Thay đổi quan trọng trong Luật và quy định - Ảnh 1.

Công chức TP.HCM hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định đơn vị hành chính của Việt Nam được tổ chức thành 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh). Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, theo quy định của Luật, gồm HĐND và UBND.

Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, Luật nêu rõ nguyên tắc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước ở Trung ương cho chính quyền địa phương; phân định rõ giữa thẩm quyền của UBND và chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã.

Nguyên tắc được nhấn mạnh trong luật sửa đổi là bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, Luật sửa đổi quy định trong trường hợp cần thiết, UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, chủ tịch UBND cấp xã, không để việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp bị đình trệ, ùn tắc, kém hiệu quả.

Chấm dứt tình trạng công chức "làm ít hưởng nhiều"

Cũng có hiệu lực ngay từ đầu tháng 7, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gồm 7 chương, 45 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/7, thể hiện tư duy đổi mới, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý công chức theo hướng năng động, minh bạch, hiệu quả.

Sự đổi mới này thể hiện ngay trong chính sách tiền lương của cán bộ, công chức. Theo đó, Điều 10 của Luật quy định về quyền của cán bộ, công chức về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ liên quan đến tiền lương.

Luật sửa đổi nêu rõ cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác theo kết quả, sản phẩm của vị trí việc làm đảm nhiệm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương.

Căn cứ vào quy định này, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu để quy định về định mức chi (ngoài chi tiền lương) theo sản phẩm với từng công việc để bảo đảm thu nhập của cán bộ, công chức gắn với kết quả, hiệu quả và năng suất lao động.

Quy định này sẽ tạo động lực cho cán bộ, công chức nâng cao chất lượng công việc trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc thu nhập tương xứng với giá trị sức lao động, "làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít", từng bước giải quyết tình trạng cào bằng về thu nhập.

Đánh giá, xếp loại chất lượng công chức cũng là nội dung có nhiều điểm mới trong luật sửa đổi lần này.

Căn cứ kết quả theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng theo quy định.

Trường hợp công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể xem xét, bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc.

Một điểm mới đáng lưu ý khác trong Luật Cán bộ, công chức sửa đổi là cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (Điều 4).

Theo đó, Luật quy định Nhà nước có cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi, doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nguồn nhân lực chất lượng cao khác vào làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Chính phủ được giao quy định khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ với các đối tượng trên.

Khám chữa bệnh BHYT không phân biệt địa giới

Từ ngày 1/7, khi Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ có thêm nhiều quyền lợi.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7 / 2025: Thay đổi quan trọng trong Luật và quy định - Ảnh 2.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo quy định mới, người tham gia bảo hiểm y tế có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế nào thuộc hệ thống bảo hiểm y tế trên toàn quốc, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Điều này khác biệt so với quy định trước đây, khi người tham gia bảo hiểm y tế thường chỉ được đăng ký tại cơ sở y tế thuộc tuyến địa phương nơi cư trú hoặc nơi làm việc.

Bên cạnh đó, người tham gia bảo hiểm y tế được phép thay đổi cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu mỗi quý (nếu có nhu cầu), hạn thay đổi là trong 15 ngày đầu của mỗi quý.

Đặc biệt, đối với việc chuyển tuyến, Luật sửa đổi mở rộng quyền được khám chữa bệnh nội trú tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cấp cơ bản trên toàn quốc mà không cần giấy chuyển tuyến. Trước đây, người bệnh bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến hợp lệ để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh tại cơ sở không thuộc tuyến đăng ký ban đầu, gây nhiều bất tiện và hạn chế.

Mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) cũng bổ sung thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng.

Gồm: người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; người từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Mục đích của quy định mới này là nhằm mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, đặc biệt là người già và người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, còn nhằm động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và những người trực tiếp bảo vệ an ninh, trật tự.

Nới điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Luật quy định theo hướng giảm điều kiện cho người có nguyện vọng nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam.

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7 / 2025: Thay đổi quan trọng trong Luật và quy định - Ảnh 3.

Cầu thủ Nguyễn Xuân Son nhận quốc tịch Việt Nam.

Cụ thể, người nước ngoài, người không quốc tịch có thể được nhập quốc tịch nếu có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp người chưa thành niên xin nhập quốc tịch theo cha hoặc mẹ, hoặc có cha mẹ là công dân Việt Nam, được miễn điều kiện này.

Người xin nhập quốc tịch phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng văn hóa, phong tục Việt Nam; biết tiếng Việt đủ để hòa nhập; thường trú ở Việt Nam ít nhất 5 năm và có khả năng bảo đảm cuộc sống.

Tuy nhiên, những người có vợ hoặc chồng, con, cha mẹ, ông bà là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt với Tổ quốc; hoặc có lợi cho Nhà nước sẽ được miễn các điều kiện về ngôn ngữ, thời gian cư trú và đảm bảo cuộc sống.

Luật quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thì có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài. Tên do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Bỏ 8 tội danh có khung hình phạt tử hình

Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó bỏ án tử hình với 8 tội từ ngày 1/7.

8 tội danh gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).

Với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng: "Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".

Về điều khoản chuyển tiếp, Luật quy định hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 1/7 với người phạm 8 tội trên mà chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TAND Tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Quốc hội giao TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao và các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát người bị kết án tử hình thuộc diện này để thực thi theo quy định mới.

Bên cạnh các quy định nêu trên, từ 1/7, hàng loạt luật có hiệu lực thi hành như: Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Công chứng; Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược...


Các tin khác

TP HCM có tân Phó Bí thư Thành uỷ

Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), vừa được Bộ Chính trị chuẩn y giữ chức Phó Bí thư Thành uỷ TP HCM (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thủ tục sang tên sổ đỏ mới nhất từ 1/7

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động (nghĩa là trong 30 ngày kể từ khi công chứng, chứng thực), người dân bắt buộc phải thực hiện đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai có thẩm quyền.

Cảnh báo về camera an ninh giá rẻ

Chỉ vì tiết kiệm ngân sách, camera an ninh giá rẻ có thể mang lại nhiều vấn đề hơn là lợi ích cho cuộc sống của người dùng.

Lễ ký kết hợp tác phân phối chính thức dự án Dolce Penisola Quảng Bình

Vừa qua tại Hà Nội, Tập đoàn Onsen Fuji và Tổng đại lý phân phối Won Direct đã chính thức ký kết hợp tác cùng 12 đại lý phân phối dự án Tổ hợp căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Dolce Penisola Quảng Bình, đưa cơ hội đầu tư Trung bộ đến gần hơn với nhà đầu tư miền Bắc.

Chuỗi thương hiệu cà phê quốc tế tại Việt Nam: Chưa ai thật sự thành công, ‘lì lợm’ nhất là The Coffee Bean & Tea Leaf

Thị trường cà phê trung và cao cấp ở Việt Nam luôn là thử thách nặng đô cho các chuỗi đến từ quốc tế. Từ 20 cửa hàng vào 2014, The Coffee Bean & Tea Leaf chỉ còn 5 vào 2023 và đang lên lại 8; %Arabica có 2 cửa hàng sau hai năm. Xui rủi nhất là Gloria Jean’s với lần quay lại bất thành trong năm 2021.