Thanh Hương, 22 tuổi ở Bình Dương, cho biết sau khi liên lạc với Facebook có tên "luật sư Trần Huy" để nhờ hỗ trợ lấy lại tiền, cô được hướng dẫn chuyển qua nhắn tin trên ứng dụng Telegram. Người này hỏi một số thông tin như biết đến dịch vụ từ đâu, mất bao nhiêu tiền, có hóa đơn không, sau đó yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra.
Do không yên tâm, Hương gửi thông tin giả với tên "Thanh Nhã" để kiểm tra. Chỉ vài phút sau, người tự xưng là luật sư nói đã thấy số tiền bị treo của cô trên hệ thống. Người này gửi kèm ảnh chụp màn hình trang web có logo của Bộ Tài chính và thông tin liên quan đến nạn nhân, khẳng định số tiền bị mất có thể lấy lại được trong vòng 10-30 phút sau khi được "giải ngân".
Để nhận lại tiền, người dùng cần hoàn thành một mã lệnh, bằng cách chuyển 1,5 triệu đồng vào tài khoản của bên cung cấp dịch vụ. Ngoài phí làm nhiệm vụ, họ cũng cần chia 5% số tiền thu hồi được cho "luật sư".
"Chỉ cần chuyển khoản thành công, hệ thống sẽ kích hoạt giải ngân, chắc chắn tỷ lệ hoàn thành là 100%. Tôi đã làm trong nghề nhiều năm, nếu trường hợp rủi ro, tiền không về sẽ đền gấp ba lần phí kích hoạt", bên cung cấp khẳng định và gửi kèm bằng cấp, căn cước công dân, chứng chỉ hành nghề của luật sư.
Khi thấy thông tin cung cấp sai nhưng vẫn được báo kết quả trùng khớp, Hương nhận ra đây là dịch vụ lừa đảo nên không chuyển tiền theo yêu cầu.
Theo ông Mai Thanh Phú, chuyên gia về dịch vụ mạng xã hội, đã có những nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn cả tin và bị dụ tham gia "làm cộng tác viên", "làm nhiệm vụ online", đặc biệt trong giai đoạn cuối năm và cận Tết. Sau khi bị lừa, đa số đều tìm kiếm sự hỗ trợ nhằm lấy lại tiền đã mất. Đánh vào tâm lý này, kẻ xấu đã mạo danh Facebook các luật sư và văn phòng luật để lừa nạn nhân lần thứ hai. Nhiều tài khoản thậm chí chạy quảng cáo để tăng khả năng tiếp cận người dùng.
"Hành vi chung của nhóm này là sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của luật sư nổi tiếng, đăng bài quảng cáo dịch vụ giải ngân tiền bị treo. Đây đều là các kênh mới lập hoặc đổi tên từ tài khoản bị đánh cắp, sau đó sửa nội dung, thời gian đăng bài, mua tương tác giả để tạo uy tín", ông Phú nói.
Luật sư Lê Ngọc Luân, người bị nhiều tài khoản giả mạo, đã phải liên tục đăng bài cảnh báo, đính chính sau khi một số người trực tiếp đến văn phòng để phản ánh việc bị tài khoản Facebook giả mạo lừa tiền. "Người ít thì mất 15 triệu đồng, nhiều 75 triệu đồng. Tôi gửi báo cáo Facebook nhưng nhận được phản hồi là tài khoản giả mạo không lừa đảo. Kẻ xấu thậm chí đổi ảnh, thông tin liên tục để dẫn dụ người dùng", ông Luân kể.
Trước đó, phản hồi VnExpress về vấn nạn quảng cáo mạo danh, Facebook cho biết: "Để giữ an toàn cho mọi người và doanh nghiệp trong quá trình mua, bán, quảng cáo và sáng tạo trên Facebook, chúng tôi đã đặt ra các chính sách nghiêm cấm nội dung vi phạm quyền của người khác, bao gồm cả việc bán hoặc quảng cáo sản phẩm giả mạo".
Đại diện Facebook cho biết, nền tảng có hệ thống tự động xét duyệt quảng cáo cùng nhóm chuyên gia làm việc 24/7 để hỗ trợ xem xét nội dung được báo cáo và xóa nội dung hoặc vô hiệu hóa tài khoản vi phạm. "Nếu báo cáo đầy đủ và hợp lệ, nhóm sẽ nhanh chóng xóa nội dung được báo cáo, thường trong vòng một ngày sau khi chúng tôi nhận được báo cáo", đại diện Facebook nói.
Tuy nhiên, cả Hương và luật sư Ngọc nói đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng cũng như tự gửi báo cáo cho Facebook nhưng tài khoản giả vẫn không bị xử lý.
Luật sư Hà Hải của Đoàn luật sư TP HCM cho biết: "Việc mạo danh luật sư, văn phòng luật để lừa đảo là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo các tội danh khác nhau, tùy thuộc mức độ và hậu quả. Trong đó có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội giả mạo tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo luật sư Hà Hải, người dùng nên thận trọng khi tiếp xúc với những người lạ trên mạng, đặc biệt là người tự xưng là luật sư, cán bộ công an, nhân viên ngân hàng... và yêu cầu chuyển tiền. Trước khi giao dịch, người dùng cũng nên kiểm tra lại thông tin về luật sư, văn phòng luật, cơ quan chức năng và liên hệ với ngân hàng nếu có bất kỳ vấn đề nghi ngờ nào.
"Các nhóm lừa đảo hiện hoạt động rất chuyên nghiệp và bài bản. Khi nạn nhân sập bẫy, chúng sẽ tiếp tục tìm cách để nạn nhân nộp số tiền càng nhiều càng tốt. Do đó, việc được hứa hẹn trả tiền, hay giúp lấy lại tiền là điều hoàn toàn không xảy ra", chuyên gia Nguyễn Hồng Hào thuộc dự án Chống lừa đảo khuyến cáo.