Tài chính

Chi hơn 1 triệu USD để mua kim loại, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ nhận ‘cú lừa’ khi lô hàng chỉ là… những túi đá

Tuần trước, LME phát thông báo họ đã huỷ 9 hợp đồng mua bán niken trị giá khoảng 1,3 triệu USD, sau khi phát hiện ra những điều bất thường tại một nhà kho. Bloomberg cho biết địa điểm này thuộc sở hữu của Access World - công ty logistics và cho thuê kho bãi chứa hàng hoá. Thông tin này lại khiến thị trường giao dịch kim loại bất ngờ, vì thông thường các hợp đồng ở LME được coi là đáng tin cậy.

John MacNamara - CEO của Carshalton Commodities Ltd. và là một banker kỳ cựu ngành hàng hoá, cho biết: “Biên lai lưu kho của LME (warehouse warrant) thường là tiêu chuẩn vàng cho các kho hàng trên toàn thế giới, được coi là một khoản tương đương tiền mặt. Điều này thực sự là một thảm hoạ với LME.”

JPMorgan là chủ sở hữu của 9 hợp đồng đã bị “đóng băng”, theo nguồn tin thân cận. Ngân hàng này đã đăng ký mua các lô hàng được giao theo hợp đồng với LME vào đầu năm 2022. Hiện tại, không có thông tin nào cho rằng JPMorgan thực hiện bất kỳ hành vi sai lệch nào. Theo một nguồn tin, vật liệu này đã có trong nhà kho ở Rotterdam của Access World khi JPMorgan mua vài năm trước.

Tuy nhiên, vai trò của JPMorgan trong một cuộc khủng hoảng nicken khác lại khiến họ “đau đầu”. Hoạt động kinh doanh hàng hoá của ngân hàng này vốn được xem xét cực kỳ kỹ lưỡng kể từ đợt “short squeeze” với kim loại này trên sàn LME vào năm ngoái - khi JPMorgan là đối tác lớn nhất với đại gia lỗ nặng vì bán không niken, ông Xiang Guangda.

Về phía Access World, công ty này cho biết họ đang kiểm tra các lô hàng niken “được bảo hành” tại toàn bộ nhà kho của mình. Tuy nhiên, Access World cho rằng vấn đề liên quan đến 9 hợp đồng bị đình chỉ là “trường hợp cá biệt và chỉ xảy ra ở nhà kho ở Rotterdam.”

Bloomberg cho biết, hiện vẫn chưa rõ liệu các lô hàng này có chưa niken hay không và liệu vấn đề là do nhầm lẫn, trộm cắp hay gian lận. Theo quy định của LME, các kho sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và xác minh. Các nhà kho được yêu cầu phải chịu trách nhiệm bồi thường, trong khi mà các trader kim loại thường đã có bảo hiểm cho các rủi ro như trộm cắp

Trường hợp của JPMorgan đã gây ra sự náo loạn trong thị trường kinh doanh kim loại. Các công ty vận hành kho bãi đã phải ráo riết kiểm tra lại hàng nghìn tấn kim loại vào cuối tuần qua, sau khi LME yêu cầu họ xác minh toàn bộ số niken đang được bảo hành.

LME cũng tiến hành các cuộc kiểm tra khác ở châu Âu và châu Á. Nguồn tin thân cận cho biết, đợt kiểm tra hàng loạt này không phát hiện ra vấn đề nào khác.

JPMorgan là ngân hàng hàng đầu trên thị trường kim loại. Tuy nhiên, họ lại là trung tâm của một số cuộc khủng hoảng quan trọng trong năm vừa qua. JPMorgan báo lỗ 120 triệu USD với các giao dịch niken vào năm trước, sau đợt ép mua nhằm vào Xiang và công ty của ông - Tsingshan Holding Group Co.

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cũng có mối quan hệ đối tác với công ty kinh doanh đồng của Trung Quốc - Maike Metals International Ltd. Công ty này vừa gặp rắc rối vào mùa hè năm ngoái và hồi tháng trước cho biết họ đang tiến hành kế hoạch tái cơ cấu nợ. Còn JPMorgan đang xem xét về hoạt động giao dịch hàng hoá của mình.

Trước đó, ở đúng thời điểm khó khăn với thị trường giao dịch kim loại, tập đoàn thương mại khổng lồ Trafigura tiết lộ vào tháng 2 rằng họ là nạn nhân của một vụ lừa đảo lớn liên quan đến các lô hàng niken bị thất lạc. Thông tin về một công ty quyền lực như Trafigura đang phải đối mặt với khoản lỗ hàng trăm triệu USD đã khiến những người khác trong ngành hoảng sợ và một số bên phải kiểm tra các lô hàng kim loại của chính họ.

Tham khảo Bloomberg 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm