Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu các công nghệ mới để tạo ra vật liệu bền hơn, chắc hơn từ tre, phục vụ cho cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Trung Quốc muốn củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp thân thiện với môi trường.
Và kết quả đã được chứng minh trong công trình kỷ lục thế giới, đó là siêu công trình vượt biển Hồng Kông - Chu Hải – Macao. Từ khi khánh thành, cảnh quan đảo nhân tạo đã hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động hàng ngày của cây cầu và đường hầm vượt biển dài nhất thế giới.
Tờ Science and Technology Daily mới đây đưa tin rằng sàn ngoài trời của các sân cảnh quan nhân tạo được lắp bằng các tấm tre có độ bền cao. Chúng bao phủ tổng diện tích hơn 20.000 mét vuông.
Theo bài báo, 6 năm sau khi được lắp đặt trên cây cầu vượt biển lớn nhất thế giới, các tấm ván làm từ tre đã chịu được ánh nắng mặt trời, bão và sự ăn mòn của nước biển. Chúng vẫn "vững chắc như thường".
Báo cáo cho biết thêm rằng các nhà nghiên cứu cũng đã làm việc với Công ty Công nghệ Dasuo có trụ sở tại Hàng Châu để tạo ra trần tre rộng 240.000 mét vuông tại Sân bay Quốc tế Madrid Barajas – một trong những sân bay lớn nhất thế giới và nhiều dự án quốc tế lớn khác.
Nhà nghiên cứu Lou Zhichao từ Viện nghiên cứu tre của Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh cho biết hầu hết tre trên thế giới được trồng ở các nước đang phát triển.
“Trung Quốc không chỉ là nước sản xuất tre lớn nhất thế giới mà còn nắm giữ lợi thế về khả năng chế biến. Việc duy trì vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong đổi mới công nghệ tre là rất quan trọng. Ngành công nghiệp này nên tập trung vào việc thúc đẩy tự động hóa và sản xuất thông minh trong khi tích cực định hình các tiêu chuẩn quốc tế”, ông nói.
Theo Science and Technology Daily, năm 2023, tổng giá trị sản lượng của ngành tre Trung Quốc là khoảng 541 tỷ nhân dân tệ (khoảng 74,2 tỷ USD), giá trị xuất khẩu vượt 16 tỷ nhân dân tệ.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của ngành công nghiệp tre đã góp phần làm giàu cho nông dân và nông thôn Trung Quốc. Nhiều nông dân ở các tỉnh như Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây và Quý Châu đã thoát nghèo nhờ tre.
Hiện nay, diện tích rừng tre của Trung Quốc đã vượt 6,67 triệu ha và gần 50 triệu người dân nông thôn đã được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên tre.
Tại khu vực miền núi phía tây nam Quý Châu, một người trồng tre có tên Jin Xiaofang cho biết ông đã ký hợp đồng thuê 26,67 ha đất rừng để trồng tre, mang lại thu nhập hàng năm hơn 300.000 nhân dân tệ (hơn 1,05 tỷ VNĐ). Nhờ đó, gia đình ông đã có một cuộc sống khấm khá hơn.
Tre là loài cây nổi tiếng với độ bền cao, độ cứng nhất định và khả năng phân huỷ sinh học. Điều đó khiến các vật liệu composite từ tre có thể ứng dụng đa dạng. Trung Quốc hiện có hàng nghìn sản phẩm làm bằng tre, từ đồ thủ công, sản phẩm sợi tre và sản phẩm than tre.
Năm 2023, Trung Quốc ban hành kế hoạch hành động 3 năm nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển “tre thay thế nhựa”, đề xuất tăng tỷ lệ sử dụng toàn diện tre lên 20% vào năm 2025.
Các nghiên cứu cho thấy tre phát triển nhanh và còn có hiệu quả cô lập carbon tương đối cao so với các loại cây khác. Tổng thư ký Wang Jin của Hiệp hội Công nghiệp Tre tỉnh Chiết Giang cho biết tre có thể hấp thụ lượng carbon dioxide (CO2) nhiều hơn 1,46 lần so với rừng linh sam. Tre ở Trung Quốc có thể giảm 197 triệu tấn carbon và cô lập 105 triệu tấn carbon mỗi năm.
Nhà nghiên cứu Lou hy vọng Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm ra cách tận dụng tốt nguồn tài nguyên tre.
Theo Xinhua, SCMP