Anh Vương trước đây là sinh viên đại Học Tứ Xuyên, Trung Quốc. Anh cho biết hiện anh đang học tiếp lên tiến sĩ, song song đó anh còn điều hành một công ty của riêng mình. Khi mới vào năm nhất đại học, anh Vương đã kiếm được hơn 40 ngàn USD (gần 1 tỷ đồng) nhờ vào việc bán đồ ăn vặt. Sau đó, anh đã mở một địa điểm mua bán sách cũ và cung cấp dịch vụ dạy kèm có phí cho học sinh trung học. Vào giai đoạn cuối cấp, anh đã thành công mở một công ty cung cấp dịch vụ gia sư.
Đồng thời, lúc ấy anh cũng tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp để lấy tiền thưởng. Khi tốt nghiệp, số dư trong thẻ của anh đã bùng nổ từ 150 ngàn USD lên 300 ngàn USD, đó là một con số không hề dễ dàng kiếm được đối với một sinh viên đại học. Thậm chí, anh còn mua được cho mình một căn nhà.
Nhiều cư dân mạng không khỏi trầm trồ thán phục trước câu chuyện của chàng trai trẻ họ Vương này. Có người còn để lại một bình luận: "Tôi ganh tị quá đi!"
Trải nghiệm đầy cảm hứng của chàng sinh viên đã thu hút sự ngưỡng mộ của không ít cư dân mạng. Nhiều người đọc xong liền hồi tưởng về thời đại học của họ, tại sao họ không nghĩ ra ý tưởng kiếm tiền như vậy? Hay thậm chí tại sao họ không nghĩ rằng bản thân sẽ lao vào kiếm tiền ngay khi còn đang là sinh viên?
Có câu: "Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo chính là nằm ở tư duy."
Trong khi những bạn học khác vẫn đang ôm lấy tư duy cũ rằng, "hành trình làm giàu là sau khi tốt nghiệp", thì anh ấy lại bẻ gãy định nghĩa đó và làm theo lòng tin riêng của chính mình. Đó cũng chính là điểm mấu chốt tạo nên sự thành công ngoạn mục của chàng sinh viên họ Vương.
Nhưng nhìn chung vào xã hội ngày nay, thế hệ trẻ hầu như đa phần đều đã có ý thức phấn đấu từ rất sớm. Tôi từng đọc qua ở đâu đó rằng, họ nói gen Z là một thế hệ "tưởng như sung sướng, nhưng thực tế thì chướng ngại không tưởng". Thế hệ này mặc dù được hưởng nhiều lợi ích từ sự phát triển của xã hội, nhưng song song đó họ cũng chịu rất nhiều áp lực, phán xét từ xã hội vì cái nhãn "gen Z" của mình.
Ví như, họ phải thành công trước tuổi 30, hay thậm chí là 25, họ phải đối mặt với mớ hỗn độn giữa việc theo đuổi ước mơ và làm một công việc ổn định trang trải cho cuộc sống. Vừa bước vào xã hội đã phải học cách thăng tiến trong sự nghiệp, không ngừng nâng cấp bản thân để có thể đuổi kịp sự phát triển nhanh chóng của thế giới.
Thế hệ trẻ ngày nay là một thế hệ đầy tiềm năng, vì hầu như đa số họ đều có trong mình những tư duy độc đáo riêng. Họ không còn giới hạn bản thân trong một lĩnh vực mà ngược lại họ tìm thấy vô số khả năng cho tương lai của mình. Một người có thể quay phim cũng có viết bản thảo, một bạn làm thiết kế đồ họa cũng có thể làm thợ xăm song song đó. Họ có nhiều nguồn thu nhập và nhờ đó làm phong phú hơn cuộc sống của chính mình.
Theo dữ liệu nghiên cứu từ iiMedia, thu nhập trung bình hàng tháng của sinh viên đại học Trung Quốc vào năm 2021 là 200 USD. Điều này chứng minh một lần nữa về ý thức phấn đấu của những người thuộc gen Z. Cụ thể, sinh viên đại học có thu nhập trung bình hàng tháng 150-200 USD chiếm gần 40%; sinh viên đại học có thu nhập trung bình hàng tháng 200-450 USD cũng đạt 47,7%; và 3,3% còn lại là những sinh viên có thu nhập trung bình hàng tháng từ 450 USD trở lên.
Vào ngày 17 tháng 8 năm ngoái, một nữ sinh viên năm 2 ở Trung Quốc đã trở thành xu hướng tìm kiếm trên Weibo chỉ nhờ một vào đoạn video ngắn mà cô ấy quay, nhờ đó mà cô đã thành công mở studio cho riêng mình, bắt đầu theo đuổi ước mơ. Ở đại học bưu chính viễn thông Bắc Kinh cũng có một bạn sinh viên đã thu hút được sự chú ý của toàn "cõi mạng" và gặt hái được mớ thu nhập khổng lồ bằng cách tải lên các video liên quan đến công nghệ. Chiến tích của những nhân vật được kể trên cũng chính là một phần bộ mặt của gen Z hiện nay, đầy nhiệt huyết, hoài bão và bản lĩnh chinh phục mọi nẻo đường.