Tài chính

Chấn động giới khởi nghiệp: Thêm một startup con cưng của Masayoshi Son bị tố lừa đảo, làm giả 75% số liệu, thổi phồng gần 600 triệu USD doanh thu

TIN MỚI

Hãng tin CNBC cho hay startup nổi tiếng Đông Nam Á (ĐNÁ) Efishery của Indonesia, được đầu tư bởi Masayoshi Son đã bị tố cáo lừa đảo trong nhiều năm, làm giả đến 75% số liệu và thổi phồng gần 600 triệu USD doanh thu.

Cụ thể, công ty khởi nghiệp được đầu tư bởi SoftBank và Temasek này đã có một cuộc điều tra nội bộ và ước tính rằng ban giám đốc đã thổi phồng gần 600 triệu USD trong 9 tháng tính đến tháng 9/2024.

Bất ngờ

Startup Efishery là một hãng phát triển máy bón cá và tôm tự động ở Indonesia được định giá đến 1,4 tỷ USD.

Công ty này cực kỳ nổi tiếng khi huy động được hàng trăm triệu USD trong các vòng gọi vốn nhằm hiện đại hóa ngành chăn nuôi thủy sản của đất nước, cung cấp cho người nông dân những thiết bị thông minh, đồng thời hỗ trợ sản phẩm của họ bán ra thị trường.

Năm 2023, startup này đã đạt danh hiệu kỳ lân (Unicorn) sau vòng huy động 200 triệu USD và được định giá trên 1 tỷ USD.

Chấn động giới khởi nghiệp: Thêm một startup con cưng của Masayoshi Son bị tố lừa đảo, làm giả 75% số liệu, thổi phồng gần 600 triệu USD doanh thu- Ảnh 1.

Theo CNBC, các nhà đầu tư đã bị thu hút bởi những số liệu lợi nhuận của EFishery để rồi khi cuộc điều tra kiểm toán nội bộ cho thấy thay vì lãi 16 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này đã lỗ 35,4 triệu USD thì một cuộc khủng hoảng toàn diện bắt đầu diễn ra.

EFishery đã phải sa thải hàng loạt lao động trong khi CEO bị buộc từ chức.

Báo cáo điều tra dài 52 trang cho thấy doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 của EFishery không phải là 752 triệu USD như đã thông báo mà chỉ là 157 triệu USD. Chính các giám đốc đã thổi phồng doanh thu và lợi nhuận trong vài năm qua để thu hút vốn đầu tư.

Cuộc điều tra kiểm toán nội bộ được thực hiện sau khi một người tiếp cận thành viên hội đồng quản trị để tố giác vấn đề. Ngay sau đó, Hội đồng quản trị EFishery đã thực hiện một cuộc điều tra chính thức vào tháng 12/2024 và sa thải người đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Gibran Huzaifah sau khi phát hiện ra sai phạm.

Bản báo cáo điều tra trên do FTI Consulting thực hiện mới chỉ là bản nháp và có thể thay đổi khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục. Dựa trên 20 cuộc phỏng vấn với các nhân viên, cùng tin nhắn trên các kênh WhatsApp, Slack... các điều tra viên đã phát hiện nhiều sai phạm nhưng các con số có thể thay đổi thêm nhiều tài khoản ngân hàng và những cuộc phỏng vấn khác vẫn chưa được tìm thấy và hoàn thành.

Vụ bê bối EFishery đã khiến nhiều người bất ngờ khi startup này từng thuê 2 hãng kiểm toán nổi tiếng là PricewaterhouseCoopers và Grant Thornton để kiểm toán kết quả tài chính. Tuy nhiên cả 2 hãng kiểm toán trên đều từ chối bình luận.

Hiện các nhà đầu tư đang phải đau đầu với việc họ sẽ làm gì với số tài sản và tiền mặt còn lại của công ty.

Trong khi EFishery quảng cáo rằng họ có hơn 400.000 máy cho cá ăn đang phục vụ khách hàng thì các cuộc điều tra ban đầu ước tính rằng con số thật sự chỉ vào khoảng 24.000 máy.

Kiểm toán nội bộ sổ sách cho thấy startup này đang có khoản lỗ lũy kế đến 152 triệu USD kể từ khi thành lập cho đến tháng 11/2024. Tổng tài sản của EFIshery hiện vào khoảng 220 triệu USD bao gồm 63 triệu USD khoản phải thu và 98 triệu USD trong tài khoản đầu tư.

Tác động lan rộng

Theo CNBC, vụ bê bối EFishery đã ảnh hưởng mạnh đến hệ sinh thái khởi nghiệp của ĐNÁ, vốn đang phải đối mặt với nhiều năm tái cấu trúc tốn kém và đau đớn kể từ đại dịch Covid-19.

Báo cáo tháng 1/2025 của Deal Street Asia cho thấy tổng khối lượng giao dịch đầu tư khởi nghiệp năm 2024 trong khu vực đã giảm 10,3% so với năm trước xuống còn 633 giao dịch, trong khi giá trị giao dịch giảm 41,7% xuống còn 4,56 tỷ USD.

Chấn động giới khởi nghiệp: Thêm một startup con cưng của Masayoshi Son bị tố lừa đảo, làm giả 75% số liệu, thổi phồng gần 600 triệu USD doanh thu- Ảnh 2.

Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch đầu tư khởi nghiệp năm 2024 chỉ bằng 54,6% vốn huy động được trong năm 2020 và chỉ bằng 19,5% so với mức đỉnh điểm năm 2021.

Nhà sáng lập Jx Lye của Acme Technology cho rằng mảng khởi nghiệp tại ĐNÁ còn non trẻ, mới chỉ bùng nổ từ giữa thập niên 2010.

Đồng quan điểm, nhà đồng sáng lập Kevin Aluwi của Gojek nhận định các nhà đầu tư đã kỳ vọng thái quá vào thị trường startup ở ĐNÁ để rồi dần nhận ra mọi thứ không như kỳ vọng và nhiều dự án đã bị định giá quá cao

"Vấn đề lớn nhất hiện nay là có rất ít lối thoát trên thị trường này khi các nhà đầu tư không có cách nào để rút tiền ra", nhà sáng lập Krish Sridhar của Know chia sẻ với CNBC.

Theo Sridhar, kinh doanh tại ĐNÁ rất khó vì có tới 7 chính phủ khác nhau với các quy định khác nhau, điều này không giống với Ấn Độ hay Trung Quốc, nơi có đến 1,4 tỷ người cùng nói chung ngôn ngữ và có chung hệ thống luật pháp.

Hãng tin CNBC cho hay vụ bê bối EFishery đang ảnh hưởng nặng đến tâm lý nhà đầu tư trong khu vực. Đích thân ban quản trị của EFishery đã phải thừa nhận những hệ lụy to lớn mà vụ bê bối này gây ra cho cộng đồng khởi nghiệp.

"Những tiết lộ gần đây về hành vi sai trái và gian lận trong tập đoàn đã khiến tất cả chúng tôi vô cùng nản lòng và có thể gây nguy hiểm cho niềm tin vào môi trường đầu tư của Indonesia", tuyên bố của ban quản trị EFishery nêu rõ.

Nhà đồng sáng lập Aluwi của Gojek nhận định có rất nhiều kỳ vọng được đặt vào EFishery như một thế hệ kỳ lân tiếp theo, thế nhưng khi niềm tin đó bị hủy hoại vì cáo buộc gian lận thì "điều đó thực sự đáng thất vọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp".

Nhà sáng lập Jx Lye của Acme Technology cho biết các vòng gọi vốn khởi nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn bởi nhà đầu tư "yêu cầu bằng chứng, báo cáo kiểm toán và vô số dữ liệu". Điều này sẽ làm tăng chi phí và gây khó khăn hơn cho các startup trong quá trình gọi vốn.

"Đây là điều mà mọi người không nói ra và cũng chẳng được thấy rõ ràng, bởi vì mỗi vòng gọi vốn thất bại có thể thực sự giết chết một startup và chẳng còn gì để nói nữa", ông Lye than thở.

*Nguồn: CNBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm